Chào mừng quý khách ghé thăm website của Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC)
Trang chủ |Sitemap |Check mail
banner
Hỗ trợ trực tuyến
Trụ sở chính
0804.2566 - 08043139
08044499 - 08042566
Fax:
024.38472271

Lỗ hổng pháp luật từ thuế bảo vệ môi trường: Thất thu nghìn tỉ đồng với túi nylon

 
Trong khi thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, áp dụng từ 1.1.2019 nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận thì việc áp thuế BVMT đối với túi nylon từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg lại ít gây chú ý.

Thực tế đang diễn ra tình trạng thất thu thuế rất lớn đối với túi nylon, con số này, theo nhiều chuyên gia có thể lên đến cả nghìn tỉ đồng.


Túi nylon gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: L.T

Xả nylon vô tội vạ

Tháng 6.2018, tại hội thảo khoa học về “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy” tổ chức ở Bình Định, các nhà khoa học khẳng định: Ô nhiễm môi trường do chất thải túi nylon hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.

Việc sử dụng túi nylon khó phân hủy trở thành thói quen của người dân Việt Nam. Bà Minh Hằng ở Cầu Giấy - Hà Nội - cho biết: “Mỗi buổi đi chợ, tôi thường dùng 4-5 loại túi nylon để đựng các loại rau, thịt. Hầu hết các loại túi này đều không bị tính thêm phí và người bán hàng cũng rất hào phóng cho túi. Tôi đoán giá túi cũng không cao”.

Đó là một điển hình, còn Tổng cục Môi trường thì đưa ra nhận định: Việc sử dụng tràn lan các loại túi nylon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp, cũng như người sử dụng.

Tại TP.Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát của Quỹ tái chế chất thải cho thấy, người dân thành phố này đã quá phụ thuộc vào túi nylon khi 93% người đi mua hàng hoàn toàn không đem theo túi vì cho rằng khi mua hàng, người bán hàng đã chuẩn bị sẵn những túi nylon để dựng.

Một con số khác, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon, trong đó phần lớn là túi nylon khó phân hủy.

“Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ, lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm” - đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường cho hay.


Dù bị áp thuế 40.000đ/kg nhưng giá túi nylon vẫn rất rẻ. Ảnh: A.C

Nhưng thu thuế thì nhỏ giọt

Từ nhu cầu sử dụng cho thấy thị trường túi nylon ở Việt Nam rất sôi động theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), mỗi năm ngành nhựa Việt Nam nhập trên 4 triệu tấn nguyên liệu nhựa. Trong đó có trên 1,3 triệu tấn nguyên liệu nhựa PE. Các chuyên gia phân tích rằng nếu chỉ cần 1/3 lượng PE nhập về để sản xuất túi nylon thì sẽ có khoảng 500.000 tấn bao bì, túi nylon tung ra thị trường.

Nếu đánh thuế đầy đủ lượng bao bì/túi nylon sản xuất theo quy định (40.000 đồng/kg) thì ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng/năm, tương đương 900 triệu USD/năm. Trường hợp Luật Thuế bảo vệ môi trường bổ sung thêm các đối tượng nguyên liệu nhựa khác (PP, PVC, PET, PS…) như tại nhiều nước trên thế giới thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng thêm từ 3-4 tỉ USD/năm.

Thế nhưng nghịch lý là việc thu thuế môi trường đối với túi nylon lại rất nhỏ giọt. Tại dự thảo Nghị định về Biểu thuế bảo vệ môi trường để trình TVQH thông qua thì Bộ Tài Chính cho biết số tiền thu thuế từ túi nylon chi khoảng 54 tỉ đồng/năm. Khi áp mức trần mới là 50.000 đồng/kg thì ngân sách dự kiến sẽ thu 67,5 tỉ đồng, tăng 13,5 tỉ đồng.

Đây là con số quá nhỏ, chưa đến 0,3%. Như vậy thất thu thuế đối với túi nylon có thể lên đến 99%!

Lỗ hổng từ luật

Mức thuế BVMT đối với túi nylon hiện hành là 40.000 đồng/kg, sau ngày 1.1.2019 sẽ là 50.000 đồng/kg. Thế nhưng trên thị trường hiện nay giá 1kg túi nylon (để đựng rác chẳng hạn) cũng chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Trốn thuế là thấy rõ.

Ở đây có lỗ hổng về luật, theo Luật Thuế bảo vệ môi trường ngày 15.11.2010, Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14.9.2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8.8.2011 và Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28.9.2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11.11.2011 quy định: “Túi nylon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi được làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận túi nylon thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Trong khi đó, Nghị định số 69/2012/NĐ-CP cũng quy định trường hợp bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu hoặc mua trực tiếp của người sản xuất/người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói thì không phải chịu thuế. Điều này có thể hiểu rằng, nếu bao bì từ nhà sản xuất/nhập khẩu sử dụng đúng mục đích (người sử dụng cuối cùng) thì sẽ không phải chịu thuế. Nhà sản xuất/nhập khẩu chỉ cần có cam kết sử dụng đúng mục đích của khách hàng tiêu thụ bao bì thì xem như không phải chịu thuế.

Hiện nay, các doanh nghiệp phổ biến “lách luật” theo cách, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng túi nylon thuê doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa gia công cho mình để không phải chịu thuế. Có thể đơn cử như Doanh nghiệp sản xuất phân bón, doanh nghiệp thuốc lá... thuê doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa gia công túi nylon cho mình để không chịu thuế.

Ngoài ra, theo Điều 8, Khoản 1, Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT ngày 4.2.2017 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi nylon thân thiện môi trường, túi nylon phải có độ dày màng lớn hơn 30 micromét, kích thước nhỏ nhất lớn hơn 20cm và tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu túi nylon phải có kế hoạch thu hồi, tái chế. Đây cũng là một lỗ hổng bởi việc tổ chức, cá nhân sản xuất túi nylon muốn có được giấy chứng nhận thân thiện môi trường nhằm không phải nộp thuế bảo vệ môi trường là không quá khó bởi chỉ cần có kế hoạch thu hồi, tái chế túi nylon.

Đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh túi nylon rất khó khăn do cơ sở sản xuất túi nylon phần lớn (khoảng 70%) là cơ sở sản xuất nhỏ nộp thuế khoán, nên trên thực tế số thu thuế BVMT từ túi nylon những năm qua là không đáng kể và giảm dần, sản phẩm túi nylon vẫn được tiêu thụ rất nhiều với giá thành thấp.

Việc tăng thuế BVMT đối với túi nylon không chỉ là giải pháp nhằm tăng thu ngân sách (con số có thể lên tới 20.000 tỉ đồng) mà quan trọng là góp phần để người dân thay đổi thói quen dùng túi nylon rồi xả ra môi trường gây ô nhiễm. 

Việc tăng thuế BVMT đối với túi nylon không chỉ là giải pháp nhằm tăng thu ngân sách (con số có thể lên tới 20.000 tỉ đồng) mà quan trọng là góp phần để người dân thay đổi thói quen dùng túi nylon rồi xả ra môi trường gây ô nhiễm. 

Đánh thuế theo số lượng

Cách đây không lâu, VCCI đã đề xuất việc thuế môi trường nên được tính theo số lượng túi. VCCI lý giải, cách đánh thuế hiện nay dựa trên khối lượng túi sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nylon mỏng, điều này không phù hợp vì loại túi nylon mỏng gây tác hại lớn hơn đến môi trường.

Nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mức thuế BVMT rất cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon. Ví dụ như ở Anh, Iceland mức thuế tương đương 4.500 đồng/túi. Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon có độ dày nhỏ hơn 0,025mm. Ấn Độ còn phạt tiền, thậm chí còn phạt tù người tái phạm sử dụng túi nylon, đồ nhựa trong kinh doanh. L.A

Theo Linh Anh - www.laodong.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá Bộ Tài chính
 

Các bài viết khác
logos 25 năm
Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam VVFC
Số 03 Thụy Khuê, phường Thụy Thuê, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội
Điện thoại: (024)38432171 - 08042566 - 08044499 - 08043139
Fax: (024)38472271 - (024)37281550
Chi nhánh Miền Nam
49 Pasteur (lầu 7), phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028)3940 7286, (028)6291 0500, (028)38218874
Fax: (028)3940 7187
Trung tâm Thẩm định giá và Đấu giá - VVFC Hà Nội
Số 3, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024)3556 0226/227
Fax: (024)3556 1817
Chi nhánh Hải Phòng
25 Nguyên Hồng, Phường Lam Sơn, Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng.
Điện thoại: (0225) 371 5129
Fax: (0225) 371 5127
Chi nhánh Bắc Trung Bộ
Số 15A Lê Khôi, Phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa
Điện thoại: (0237) 372 0628
Fax: (0237) 372 0618
Chi nhánh Miền Trung và Tây Nguyên
140 Ngô Quyền, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk
Điện thoại: (0262) 384 3383
Fax: (0262) 384 3382

© 2015 VVFC. All Right Reserved
Designed by Thietkeweb - Seo