Chào mừng quý khách ghé thăm website của Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC)
Trang chủ |Sitemap |Check mail
banner
Tin tức
Hỗ trợ trực tuyến
Trụ sở chính
0804.2566 - 08043139
08044499 - 08042566
Fax:
024.38472271

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Tài chính đưa ra là tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Kết quả tích cực

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN theo lộ trình đã đề ra. Về tình hình cổ phần hóa, trong 11 tháng đầu năm 2018, có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 11 DNNN và 01 đơn vị sự nghiệp.

Trong đó tổng giá trị doanh nghiệp là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.348 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.158 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.289 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.791 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 99 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5 tỷ đồng.

Về thoái vốn, trong 11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 17 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng, trong đó chỉ có 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.

Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 3.758 tỷ đồng, thu về 7.987 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư) được 2.416 tỷ đồng, thu về 2.794 tỷ đồng; Thoái vốn tại các lĩnh vực khác được 1.129 tỷ đồng, thu về 2.548 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 08 doanh nghiệp với giá trị 212 tỷ đồng, thu về 2.644 tỷ đồng.

Về hoạt động bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước góp về SCIC, trong 11 tháng đầu năm 2018, SCIC đã tiếp nhận được 07 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận là 206 tỷ đồng. Ngoài ra, SCIC còn tiếp nhận 04 doanh nghiệp ngoài danh sách tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, trong đó có 03 doanh nghiệp trong kế hoạch tiếp nhận vốn của SCIC, 01 doanh nghiệp ngoài kế hoạch tiếp nhận vốn (Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam – Đà Nẵng) với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận là 802 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Như vậy, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ, trên cơ sở đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã đạt một số kết quả tích cực.

Tiêu biểu như đã cổ phần hóa thành công một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhiều DNNN quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex, Tổng công ty thương mại Hà Nội, Công ty thoát nước và phát triển đô thị - Bà Rịa Vũng Tàu, Đoạn quản lý đường bộ I - Hòa Bình; Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương...

Bên cạnh đó, đã thay đổi phương thức cổ phần hóa, đã thực hiện cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn, tổng công ty thay vì cổ phần hóa từng đơn vị con thuộc tập đoàn, tổng công ty như trước đây, cụ thể như: Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam...

Ngoài ra, việc cổ phần hóa DNNN gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Việc tập trung nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp được sử dụng theo quy định và nộp vào ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội.

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đã quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động: Thông qua cơ chế bán cổ phần ưu đãi, người lao động được tạo điều kiện để sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông - những người chủ của công ty; có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua điều lệ công ty, bầu các thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát, biểu quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông; góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện để người lao động có cổ phần và tham gia quản lý doanh nghiệp.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay. Điển hình là việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo gửi về Bộ Tài chính tính đến hết tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn lại chưa phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN trực thuộc.

Theo kế hoạch cổ phần hóa, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, bao gồm 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018. Tuy nhiên tính đến tháng 11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên tính đến tháng 11/2018 mới thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chỉ có 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.

Ngoài ra, việc chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

giải pháp chính

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, các giải pháp cụ thể cần tập trung trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XIINghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Hai là, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước như: rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến DNNN trong năm 2019 và 2020; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; về tổ chức, hoạt động của các DNNN trong năm 2018; rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong năm 2018 - 2019; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong Quý IV/2018.

Ba là, hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2018, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.

Bốn là, Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt (đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).Trường hợp cần điều chỉnh tiến độ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/10/2018. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước 31/12/2018.

Năm là, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cấp có thẩm quyền có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

Sáu là, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; Thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa và xác định số phải nộp về Quỹ (nếu có) đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa quyết toán và hoàn thành trước 31/12/2018, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này; Thực hiện đúng thời gian việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành.

Bảy là, Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Ban lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại DNNN trên toàn bộ các lĩnh vực; Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tám là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Chín là, định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 


Theo TM - www.mof.gov.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính.

Các bài viết khác
logos 25 năm
Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam VVFC
Số 03 Thụy Khuê, phường Thụy Thuê, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội
Điện thoại: (024)38432171 - 08042566 - 08044499 - 08043139
Fax: (024)38472271 - (024)37281550
Chi nhánh Miền Nam
49 Pasteur (lầu 7), phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028)3940 7286, (028)6291 0500, (028)38218874
Fax: (028)3940 7187
Trung tâm Thẩm định giá và Đấu giá - VVFC Hà Nội
Số 3, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024)3556 0226/227
Fax: (024)3556 1817
Chi nhánh Hải Phòng
25 Nguyên Hồng, Phường Lam Sơn, Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng.
Điện thoại: (0225) 371 5129
Fax: (0225) 371 5127
Chi nhánh Bắc Trung Bộ
Số 15A Lê Khôi, Phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa
Điện thoại: (0237) 372 0628
Fax: (0237) 372 0618
Chi nhánh Miền Trung và Tây Nguyên
140 Ngô Quyền, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk
Điện thoại: (0262) 384 3383
Fax: (0262) 384 3382

© 2015 VVFC. All Right Reserved
Designed by Thietkeweb - Seo