Mới đây, Bộ Công Thương đề xuất phương án giảm giá điện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ dự kiến giảm 10% giá bán điện cho khách hàng sản xuất và kinh doanh; giảm 10% giá bán điện cho sinh hoạt đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4.
Đối với khách hàng du lịch đang áp giá kinh doanh - dịch vụ điều chỉnh giá bán điện xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất; Miễn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19; Giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; Giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly.
|
EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021 |
Tổng mức hỗ trợ từ việc giảm giá điện này là khoảng 11 nghìn tỷ đồng.
Đề cập đề nội dung này, trong báo cáo ngày 9/4, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có giá điện. Qua rà soát các phương án giảm giá điện, nguồn kinh phí thực hiện là giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN. Điều đó cũng tác động làm giảm các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế và lợi nhuận sau thuế so với dự toán.
Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí... ), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá.
Đồng thời, Bộ này đề nghị EVN cần tiến hành rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào.
Theo Lương Bằng - www.vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính