Sau gần 2 tháng Nghị định 52 đi vào cuộc sống, ngày 17/6, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm "Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất" nhằm cung cấp thông tin về những vấn đề xung quan việc triển khai Nghị định 52.
Tại cuộc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19.
Nghị định quy định thời gian gia hạn cụ thể như sau: gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 và quý I, quý 2 năm 2021; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT tháng 7 năm 2021, gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT tháng 8 năm 2021; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế TNDN năm 2021; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân năm 2021 chậm nhất là ngày 31/12/2021; gia hạn 6 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021.
Để cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng làm thủ tục gia hạn, Nghị định 52/NĐ-CP quy định người nộp thuế thuộc đối tượng gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế. Thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn chậm nhất là ngày 30/7/2021.
Bình luận về nội dung cũng như tác động của chính sách này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, của cơ quan thuế đã nghiên cứu, tiếp thu và ban hành chính sách trong đó nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong các chính sách hỗ trợ trước như ở Nghị định 41 đã được tiếp thu, tháo gỡ, chẳng hạn như đối tượng thụ hưởng đã mở rộng, thời gian thực hiện thủ tục đơn giản…
Tuy nhiên, khi thực thi, doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn, ông Phan Đức Hiếu cho biết. Đó là việc doanh nghiệp phải ý thức rõ đây là tạm lùi thời gian nộp thuế, không phải miễn giảm nên việc cộng dồn các nghĩa vụ cùng lúc vào cuối năm 2021 có thể là khó khăn về dòng tiền, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng trong hoạt động kinh doanh.
Băn khoăn nữa là những chính sách của Nghị định 52 có tác động tích cực, song chưa phải là tất cả. Doanh nghiệp kỳ vọng có một gói chính sách chung đồng bộ để mở rộng nhiều đối tượng thụ hưởng hơn. Chẳng hạn có những doanh nghiệp không phát sinh thuế GTGT, thuế TNDN hay tiền thuê đất đã đóng một lần hoặc hàng năm…
Cuối cùng, doanh nghiệp cũng mong muốn giảm thiểu rủi ro pháp lý khi thực hiện đề nghị gia hạn thời gian nộp thuế.
Doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết những chính sách ưu đãi về thuế luôn được cộng đồng doanh nghiệp ưa thích, mong muốn, do đó chọn chính sách hỗ trợ thuế là một hướng đi đúng.
Để các chính sách này được phát huy hiệu quả đến doanh nghiệp, Hiệp hội đã chú trọng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích. Trong đó, đã khuyến cáo doanh nghiệp việc xin hoãn, giãn thuế chỉ là trong một thời gian nhất định, do đó doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp khi đề nghị áp dụng chính sách này.
Theo ông Tô Hoài Nam, từ năm 2020 chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều chính sách về thuế được triển khai. Chính sách thuế nói chung vẫn phải đảm bảo tính tính trung lập, bình đẳng, tuy nhiên chính sách hỗ trợ phải quan tâm đến tính hiệu quả, làm sao cho đối tượng được hưởng tốt nhất. Chính sách nào có ý nghĩa thiết thực thì doanh nghiệp sẽ tham gia càng nhiều. Ông cũng lưu ý chính sách cho khu vực doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, có những đặc điểm khác nên cần có những chính sách đặc thù hơn so với khu vực doanh nghiệp nói chung.
Chia sẻ thông tin thêm về việc triển khai Nghị định 52, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, khi doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, mỗi lĩnh vực cũng chịu những tác động, ảnh hưởng khác nhau. Chẳng hạn, khó khăn về nhân lực, nguyên liệu, giao thương, khách hàng… Do đó, để có tác động hiệu quả nhất cần có nhiều bộ ngành liên quan chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó phục hồi nền kinh tế.
Về việc triển khai Nghị định 52, điểm đặc biệt là đây là nghị định không có thông tư và có thời hiệu ngay từ ngày ban hành là 19/4/2021. Như vậy, người dân có quyền áp dụng chính sách gia hạn từ ngày ban hành. Ngay sau khi ban hành nghị định, Tổng cục Thuế có công điện gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các vụ, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế khẩn trương triển khai nghị định, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để đưa Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ vào cuộc sống.
Để được áp dụng chính sách, doanh nghiệp có thể chỉ dùng 1 tờ khai để đề nghị gia hạn cho nhiều loại thuế, áp dụng cho nhiều kỳ khác nhau. Nếu doanh nghiệp có hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau, ngành Thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin về quản lý giữa các đơn vị trên các địa bàn để cập nhật thông tin gia hạn, người nộp thuế không phải gửi đến nhiều cơ quan thuế khác nhau. Đó là những cải tiến đáng kể trong thủ tục hành chính khi triển khai Nghị định 52.
Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đây là Nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành sau khi kiện toàn và được xem là "liều thuốc" quý giá giúp doanh nghiệp tiếp tục trụ vững trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách tại nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai. |