Tràng An, nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa. Hệ thống núi đá, sông suối, rừng và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó nhà Trần sử dụng làm hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến Nguyên Mông.
Cán bộ nhân viên VVFC tham quan di tích trên những chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc chở 4-5 người đi qua Đền Trình - Hang Đột - Hang Mây - Đền Suối Tiên - Hang Đại - Hành Cung Vũ Lâm. Con thuyền nhỏ tiến vào cửa hang sâu hun hút, tưởng chừng như vô tận. Hệ thống hang động ở Tràng An tuy không rực rỡ, tráng lệ và kỳ ảo với các rừng măng đá, nhũ đá nhưng các hang hết sức đa dạng, muôn hình muôn vẻ, mỗi hang mang một sắc thái riêng. Ngoài ra trên đường đi còn được thưởng ngoạn phong cảnh núi non, sơn thủy hữu tình của tạo hoá thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.
Đến với Cô đô Hoa Lư, quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968…. Ngày nay dấu tích của Cố Đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn (42 năm) nhưng nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô ở Hà Nội.
Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người, giúp cán bộ, nhân viên VVFC có được những giây phút thư giãn, vui tươi và sôi nổi. Qua đó, đã góp phần tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, sự giao lưu, gắn bó trong cơ quan, động viên, khích lệ tinh thần làm việc cho các nữ cán bộ nói riêng và toàn thể nhân viên VVFC nói chung.
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính