Quản lý, điều hành giá góp phần kiềm chế lạm phát
Năm 2016, Cục Quản lý giá tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, Chính phủ điều hành cơ chế giá đối với các mặt hàng như xăng dầu, điện, than, dịch vụ y tế, giáo dục... theo hướng từng bước thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Theo đó, nhờ sự quyết liệt trong công tác tham mưu, chỉ đạo và điều hành các giải pháp bình ổn giá, sự phối kết hợp và tích cực chỉ đạo của các bộ, ngành và địa phương nên giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ trong cả nước năm 2016 về cơ bản ổn định, quan hệ cung - cầu cân đối, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát không quá 5% theo Nghị quyết của Chính phủ.
Đồng thời, Cục Quản lý giá đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình cấp có thẩm quyền về xây dựng cơ chế quản lý giá đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá từ ngày 1/1/2017 theo Luật Phí và Lệ phí. Ngoài ra, Cục đã tham mưu trình Bộ tham gia ý kiến với các bộ, ngành trong quá trình xây dựng pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về giá...
Bên cạnh đó, với chức năng là cơ quan tham mưu giúp Bộ Tài chính, Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá trên phạm vi cả nước, Cục Quản lý Giá đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về quản lý giá, thuế, phí. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá tiếp tục được tăng cường trên mọi mặt.
Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2017
Để hoàn thành tốt công tác quản lý, điều hành giá năm 2017, Cục Quản lý giá sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả mục tiêu giải pháp chủ yếu đã đề ra trong nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội năm 2017 của Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Trong đó, cần tiếp tục chú trọng nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, nhất là cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá.
Với chức năng nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá để Ban nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định các chủ trương, định hướng quản lý, điều hành giá; biện pháp điều hành giá, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong năm 2017.
Mặt khác, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. Giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch. Đồng thời, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) đến tình hình kinh tế xã hội và CPI để có phương án và lộ trình điều chỉnh phù hợp, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao và gây lạm phát do tâm lý.
Song song với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, điện, dịch vụ sự nghiệp công...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Trường hợp phải điều chỉnh giá (nhất là dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm y tế và dịch vụ giáo dục), các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để hạn chế tác động mạnh đến mặt bằng giá cả thị trường chung.
Tiếp tục phát huy truyền thống 52 năm của ngành
Trải qua 52 năm không ngừng đổi mới và phát triển, dù có những bước thăng trầm thay đổi về cơ chế quản lý và cơ cấu tổ chức nhưng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ cán bộ làm công tác giá, ngành Giá Việt Nam đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà Đảng và Nhà nước đã giao và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức ngành Giá nói chung và cán bộ, công chức Cục Quản lý giá nói riêng sẽ phải tiếp tục phát huy bề dày truyền thống 52 năm của ngành; luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, vượt qua mọi khó khăn thách thức để kiên định con đường đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nói chung, cơ chế quản lý giá và hệ thống giá nói riêng mà Đảng ta đã đề ra.
Tiếp tục nghiên cứu, sâu sát thực tiễn, tham mưu có hiệu quả cho Chính phủ, cho ngành về các giải pháp quản lý, điều hành giá theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đoàn kết, nhất trí; thường xuyên tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm; chủ động, nhạy bén, ứng phó kịp thời với mọi tình huống biến động của thị trường trong nước và thế giới; chăm lo đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu tham mưu, quản lý, điều hành giá hôm nay và mai sau. Thực hiện tốt chính sách, chế độ đối với cán bộ theo quy định của Nhà nước; xây dựng ngành vững mạnh phù hợp với tình hình mới.
Suốt 52 năm qua, công việc gian nan vất vả, ngành Giá đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng bên cạnh đó cũng còn có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, có thể tự hào khẳng định rằng: Dù bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ ngành Giá Việt Nam vẫn trung thành với Đảng; vẫn dành hết tâm huyết của mình để tham mưu, triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác được giao.
Lãnh đạo VVFC chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo Cục Quản lý giá
Công ty CP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam - VVFC (tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính) là đơn vị Thẩm định giá đầu tiên được thành lập tại Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của Ngành giá.
* Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính