Trung Quốc chính thức phá giá đồng Nhân dân tệ. Ảnh minh họa
*PV: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa có quyết định phá giá tỷ giá Nhân dân tệ đối với đô la Mỹ (USD) ở mức 0,6%, lên tới 6,8365 Nhân dân tệ/USD. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này và tác động của nó đối với thị trường tài chính Việt Nam?
Ông Cấn Văn Lực: Đánh giá về động thái này của Trung Quốc, nhiều ý kiến nhận định, Trung Quốc dùng công cụ tiền tệ để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, tôi không cho rằng như vậy với hai lý do chính: Thứ nhất, Trung Quốc không muốn bị tiếng thao túng tiền tệ; thứ hai Trung Quốc đang trong lộ trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và một trong những lộ trình quan trọng là phải ổn định được tỷ giá.
Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng của việc điều chỉnh tỷ giá ngày 14/5 của Trung Quốc là do đồng USD tăng giá rất mạnh trong một vài ngày gần đây và chứng khoán của Mỹ đã tăng trở lại.
Nếu đồng Nhân dân tệ giảm nhiều, trong khi đồng USD tăng thì lại có lợi cho DN xuất nhập khẩu, bởi quy đổi từ đồng USD sang Nhân dân tệ thì DN sẽ được lợi ích cao hơn...
|
|
|
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực
|
|
Qua đó có thể thấy, Mỹ đánh giá tác động của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế là không nhiều và kỳ vọng nó sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ở mức độ khả quan.
Đối với thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự kiện này. Bởi đồng Nhân dân tệ là một trong 8 loại tiền tệ trong tính tỷ giá trung tâm của nước ta.
*PV: Lâu nay, quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc rất lớn. Theo ông, việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc sẽ tác động đến thương mại hai nước và doanh nghiệp (DN) như thế nào?
Ông Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng tác động của sự kiện này đến thương mại hai nước là không đáng quan ngại. Bởi tuy kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ, mà với hợp đồng này về cơ bản hai bên đã chốt giá với nhau trước đó.
Tất nhiên, nếu đồng Nhân dân tệ giảm nhiều, trong khi đồng USD tăng thì lại có lợi cho DN xuất nhập khẩu, bởi quy đổi từ đồng USD sang Nhân dân tệ thì DN sẽ được lợi ích cao hơn.
*PV: Trên thực tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Cấn Văn Lực: Qua đánh giá, chiến tranh sẽ có tác động tương đối tiêu cực đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn. Do thế giới đang bất ổn hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ được dự báo giảm so với năm ngoái, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cũng giảm, nên xuất khẩu không đạt mức tăng trưởng như năm ngoái.
Có thể thấy, xuất khẩu đang gặp khó khăn trong ngắn hạn tuy nhiên về lâu dài thì không đáng lo ngại. Bởi tương lai, dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội sản xuất, kinh doanh mới, với hàng hóa xuất khẩu mới. Do đó, xuất khẩu sẽ lại quay lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực như thời gian vừa qua.
Song, tôi muốn khuyến cáo các DN Việt cần chủ động và tăng năng lực hấp thụ đối với việc dịch chuyển vốn đầu tư và tăng khả năng liên kết, kết nối của DN trong nước với DN nước ngoài để tận dụng hiệu quả cơ hội này.
Đặc biệt, nước ta cũng cần phải sàng lọc các dự án đầu tư để đảm bảo tính hiệu quả, tính môi trường và tính kết nối với DN trong nước.
*PV: Theo ông, cả phía Nhà nước và DN cần phải làm gì trong tình huống này?
Ông Cấn Văn Lực: Chúng ta cần hết sức bình tĩnh và phải đánh giá tác động cả về mặt tâm lý của nhà đầu tư, người dân và DN Việt trong bối cảnh có nhiều rủi ro như hiện nay. Từ đó, có những chính sách tốt hơn, truyền thông tốt hơn về vấn đề này.
Trước hết cần làm 3 việc: Đầu tiên, phối hợp chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa phải làm chặt chẽ hơn, tốt hơn. Thứ hai phải tăng cường truyền thông để trấn an tâm lý, bởi tâm lý về lạm phát, về tỷ giá của người dân tương đối nặng nề. Cuối cùng, cơ quan quản lý cần phải có thông điệp với thị trường, với người dân và DN vừa để trấn an vừa để đảm bảo tính ổn định của thị trường.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi, phân tích đánh giá thị trường và tác động của biến động tỷ giá; điều hành tỷ giá bình thường và sớm có thông điệp đến thị trường để trấn an thị trường và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh quan hệ cung cầu ngoại tệ ổn định, tiềm lực dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ để can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá trước mắt và thời gian tới.
Bên cạnh đó, các DN cần hết sức bình tĩnh và đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại và các rủi ro thương mại khác tác động đối ngành nghề kinh doanh của mình, DN mình để có giải pháp cụ thể.
Chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, về tỷ giá, lãi suất...Đáng chú ý là các công cụ này hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều có. Do đó, cần sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với DN để kiểm soát rủi ro về lãi suất với tỷ giá tốt hơn.
Theo Tố Uyên - www.thoibaotaichinhvietnam.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính