Ngày 7/7, trong vai người có nhu cầu mua lại khách sạn ven biển Đà Nẵng, PV liên hệ theo số điện thoại công khai với người tên Minh và được người này giới thiệu làm môi giới bán một loạt khách sạn ven biển Đà Nẵng.
Một khách sạn tiêu chuẩn 3 sao trên đường Võ Văn Kiệt (Đà Nẵng) vừa xây dựng nhưng đã rao bán với giá 33 tỷ đồng |
Theo Minh, hiện anh đang có “giỏ hàng” với 5 khách sạn được chủ nhân cần bán gấp. Các khách sạn này đều nằm khu vực ven bờ biển đường Phạm Văn Đồng, biển Mỹ Khê, một số khách sạn khác nằm ở đường Bạch Đằng bên bờ sông Hàn. Giá các khách sạn này rơi vào tầm 45 - 110 tỷ đồng. Để làm tin về “giỏ hàng” của mình, Minh gửi một loạt tên khách sạn đang rao bán qua Zalo cho PV như: M.Ph (đường Hà Bổng, giá bán 65 tỷ đồng), S.N.R.T (đường Trần Bạch Đằng, giá bán 100 tỷ đồng), Ch.S (đường Trần Bạch Đằng, giá 48 tỷ đồng), G.T (đường Đỗ Bá, giá 49 tỷ đồng), G.O.L.B (đường Phan Liêm, giá 100 tỷ đồng), P.D.R (đường Phan Tôn, giá 110 tỷ đồng), C.M (đường Ngô Thì Sỹ, khách sạn vừa được xây mới, giá 120 tỷ đồng), I.B (đường Võ Nguyên Giáp, giá 42 tỷ đồng)…
“Trong một thời gian ngắn, ở Đà Nẵng có sự phát triển “nóng” về cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn, đặc biệt là khu vực vị trí ven biển, dẫn đến cung vượt quá cầu như hiện nay. Những biến động của thị trường, cũng như ảnh hưởng, tác động của đời sống kinh tế - xã hội là những “tác nhân” giúp định hình, điều chỉnh lĩnh vực hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú, khách sạn. Cụ thể như, thời gian qua, có nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn ven biển được chuyển đổi sang hình thức kinh doanh như cho thuê văn phòng, mặt bằng kinh doanh…”, Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng. |
Minh tiếp tục giới thiệu thêm khoảng 12 - 13 khách sạn đang hoạt động nhưng hiện bị ngân hàng xử lý nợ, với giá chào bán khá “mềm” từ 32 - 48 tỷ đồng. Tất cả các khách sạn này đều nằm ở khu phố Tây và khu vực các bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng trong vòng bán kính 300m. “Hiện có nhiều chủ cần tiền gấp nên muốn bán nhanh, vì vậy, người mua có thể thương lượng, giảm giá bán”, Minh mớm lời.
Tiếp tục tìm hiểu, PV được một nhân viên môi giới tên Chức giới thiệu 2 khách sạn 3 sao trên đường Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Thoại cũng đang được chủ nhân cần bán gấp. Nhân viên môi giới này cho hay: “Hiện khách sạn đang hoạt động kinh doanh nên không thể cung cấp tên, nhưng muốn biết khách sạn thì sẽ được dẫn đi xem. Hai khách sạn có chất lượng 3 sao, với quy mô 5 - 6 tầng, với diện tích 350 - 450m2 sàn. Cả 2 khách sạn nằm cách biển khoảng 200 - 300m, nhưng vì ở trong đường kiệt nên giá chào hàng có thương lượng 14 - 15 tỷ đồng”.
Theo ông N.T.V., một chủ kinh doanh khách sạn trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà), đối với khách sạn 3 - 4 sao, có quy mô khoảng 30 - 40 phòng ở, để duy trì hoạt động của khách sạn, mỗi tháng phải chi trả khoảng 300 - 400 triệu đồng (nếu khách sạn có năng lực quản trị tốt). Nhẩm tính, nếu khách sạn bán giá phòng khoảng 1,2 triệu đồng/phòng ở/ngày, thì cần bán khoảng hơn 300 phòng, tức khoảng tầm 10 phòng/ngày, để có nguồn thu đủ chi trả duy trì hoạt động của khách sạn trong tháng đó.
Nếu khách sạn buộc đóng cửa vì không có doanh thu, thì người chủ vẫn phải bỏ ra các chi phí khác tầm 30 - 100 triệu đồng/tháng. Thực tế hiện nay, các khách sạn đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, muốn đóng cửa, ngưng hoạt động cũng không được (vì áp lực lãi suất ngân hàng), mà mở cửa cũng không xong (vì các khách sạn đang có sự chạy đua cạnh tranh về giá, nhằm thu hút khách đến ở). Đây là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao, hàng loạt khách sạn hạng sang, khách sạn ven biển Đà Nẵng rầm rộ rao bán trong thời điểm hiện nay.
Sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường?
Đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc các bãi biển Đà Nẵng đìu hiu vắng khách du lịch |
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Đà Nẵng gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng, tạm ngưng hoặc đứng bên bờ vực phá sản sau dịch Covid-19, buộc phải bán khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch là điều dễ hiểu.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, ước tính đến tháng 6/2020, tại TP Đà Nẵng có khoảng 1.016 cơ sở lưu trú du lịch, với 42.206 phòng (tăng 196 cơ sở, với 4.774 phòng so với cùng kỳ năm 2019). Khách du lịch đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm rõ rệt, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,66 triệu lượt khách, giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 6.858 tỷ đồng, giảm hơn 26%; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 485 tỷ đồng, giảm 56%.
“Tổng lượt khách đến du lịch Đà Nẵng trong tháng 6/2020 giảm 48,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế (lượng khách quốc tế chủ yếu là các khách ở dài hạn hoặc chưa thể về nước từ các tỉnh thành khác như Hà Nội, TP HCM về Đà Nẵng) giảm đến 95,7% so với cùng kỳ, khách nội địa giảm 25,6% so với cùng kỳ”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông tin.
Ông Cao Trí Dũng cho hay, lượng khách du lịch giảm, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú hụt nguồn thu, trong khi họ vẫn phải chi trả tiền công cho người lao động, lãi suất ngân hàng… Cùng với khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước, khiến cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, khách sạn đứng trước bờ vực phá sản.
“Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với các cơ quan ban, ngành Trung ương, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như thực hiện các giải pháp kích cầu. Tuy nhiên, mọi cố gắng, nỗ lực của chúng tôi gặp không ít khó khăn. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh lưu trú, khách sạn phải rút khỏi thị trường”, ông Dũng nhận định.
(Theo Báo Giao Thông)
Ban Biên tập VVFC (Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính).