Sớm nay, vẫn thói quen đi chợ mua rau củ, thịt cá... để cả nhà ăn trong cả tuần, đến lúc tính tiền, chị Hoàng Thị Thu ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) giật mình, bởi vẫn số lượng rau như tuần trước chọn mua mà nay hết gần 200.000 đồng, tức tăng hơn 50.000 đồng.
Rút kinh nghiệm, đến hàng thịt lợn chị hỏi giá cụ thể trước khi mua thì thấy loại nào cũng tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg. Ví như, thịt ba chỉ tuần trước giá tại chợ chỉ 130.000 đồng, nay đã tăng lên 145.000 đồng/kg, sườn lợn giá cũng tăng lên 150.000 đồng/kg.
“Hỏi người bán thì tôi nhận được câu trả lời do giá xăng tăng mạnh, cộng với giá lợn hơi và giá rau tại ruộng tăng nên giá ở chợ cũng phải điều chỉnh tăng theo. Tức, những bà nội trợ như tôi đang chịu cảnh tăng giá kép”, chị Thu than thở.
Chị tâm sự, mấy tháng vừa qua dịch bệnh bùng phát, chồng chị gần như không có thu nhập vì phải nghỉ việc tạm thời. Mọi gánh nặng chi tiêu cho gia đình 5 người trông chờ cả vào khoản tiền lương của chị. Tổng thu giảm, tổng chi lại tăng mạnh, chị đành “thắt lưng buộc bụng” cầm cự. Như sáng nay, vì giá thịt đắt đỏ, chị đành cắt bớt khẩu phần món này, chuyển sang ăn trứng, thịt gà công nghiệp.
Giá lợn hơi kèm giá xăng dầu tăng sốc đẩy giá thịt lợn ngoài chợ tăng mạnh (ảnh: BH) |
Chị Đinh Thị Thuý Hà ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chia sẻ, từ sáng đến giờ, chị đặt một đơn hàng mua trái cây, chủ hàng báo phí ship tăng từ 20.000 lên 25.000 đồng/đơn. Đặt 1,5kg đậu phụ làng Kênh, chủ hàng cũng thông tin đậu phụ tăng thêm 5.000 đồng/kg rồi tính thêm tiền ship 10.000 đồng, trong khi trước kia vẫn được miễn phí ship.
“Nếu tính lẻ mỗi đơn hàng chỉ tăng 5.000-10.000 đồng so với trước sẽ không đáng kể gì. Nhưng hàng hoá, dịch vụ đang chạy đua tăng theo giá xăng thì cộng dồn lại tiền chi tiêu mỗi tháng sẽ bị đội lên rất nhiều”. Chị Hà nói và nhẩm tính, với mức chi tiêu của gia đình chị, một cú tăng giá xăng vừa rồi chị sẽ phải bỏ thêm ra khoảng 1,5 triệu đồng.
Đây là vấn đề khá đau đầu với chị Hà cũng như nhiều gia đình khác. Bởi, dịch bệnh khiến thu nhập của nhiều gia đình giảm mạnh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân - chủ một cửa hàng đặc sản ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) - từ sáng đến giờ cũng phải nhắn tin cho hàng trăm khách hàng thông báo điều chỉnh giá hàng hoá và phí ship.
Theo chị Vân, những người bán hàng như chị cũng sợ phải điều chỉnh giá tăng nên vì khi giá tăng cao dân sẽ hạn chế ăn, hàng ế ẩm. Song, sau cú điều chỉnh giá xăng dầu tăng mạnh chiều qua, các nhà xe ồ ạt tăng giá cước vận chuyển, chị cũng buộc phải điều chỉnh giá bán để cân bằng.
“Trước chuyển một thùng hàng trọng lượng 40-50kg từ Điện Biên về Hà Nội chỉ hết 80.000 đồng, nay nhà xe tăng giá cước lên 120.000-130.000 đồng. Đó là chưa kể giá hàng hoá các mối bỏ sỉ cũng điều chỉnh tăng lên 3.000-5.000 đồng/kg tuỳ loại”, chị nói.
Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) tiểu thương thừa nhận, giá nhiều mặt hàng đã được điều chỉnh tăng. Trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thịt lợn và rau củ quả các loại.
Theo tiểu thương tại chợ này, ngoài nguyên nhân tăng giá do xăng dầu, những ngày gần đây giá lợn hơi tại chuồng tăng dựng đứng, nguồn cung rau củ quả bị ảnh hưởng bởi mưa lớn dẫn đến giá tăng phi mã. Do đó, giá thịt lợn được điều chỉnh tăng lên thêm 10.000-15.000 đồng/kg tuỳ loại; các loại rau củ điều chỉnh tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg, một số loại rau ăn lá giá gần như tăng gấp đôi.
Dân bán hàng online sáng nay cũng đồng loạt thông báo tăng phí ship thêm 5.000-10.000 đồng/đơn hàng tuỳ khoảng cách xa gần.
Các chuyên gia nhận định, giá xăng tăng sẽ đẩy giá hàng hoá tăng đồng loạt (ảnh: TL) |
Áp lực lên lạm phát
Anh Nguyễn Văn Hoàng, nhân viên một công sở, sáng 27/10 rẽ vào cây xăng ở Trần Phú, Hà Đông đổ xăng mới tá hỏa biết giá xăng chiều qua tăng. Mọi lần anh đổ xăng chỉ hết 90.000 đồng là đầy bình, mà sáng nay đổ hết gần 100.000 đồng.
Theo anh Hoàng, gần đây, kinh tế mới đang dần hồi phục, người dân vốn đã khó khăn lại liên tục phải vật lộn với những cơn bão tăng giá. “Nào thì giá gas tăng chóng mặt lên 440.000 đồng/bình, giá thịt lợn hơi vừa giảm được 1-2 tuần thì 2-3 ngày nay cũng tăng từ 30.000-52.000 đồng/kg. Thời điểm này, đáng lẽ phải bình ổn giá cả để người dân ổn định cuộc sống, vậy mà cái gì cũng tăng vậy?”, anh thắc mắc.
Hơn 2 tháng giãn cách xã hội, vợ chồng anh phải nghỉ làm không có thu nhập, phải chi tiêu hết sạch tiền tiết kiệm. Giờ giá cả leo thang, vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Đỗ Thị Lan Anh (Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng, bắt đầu tháo chốt đi làm lại thì giá cả tăng liên tục. Mà đâu chỉ có tiền xăng tăng, chi phí sinh hoạt của gia đình từ khi sau dịch cũng bị tăng lên do thịt tăng, rau xanh tăng giá, gas tăng. Thật sự nhiều lúc không biết tôi phải xoay sở thế nào. Trong khi sau dịch làm ăn đã kém hơn hẳn trước đây mà mọi thứ còn tăng giá như vậy.
Trao đổi với PV. VietNamNet, một số doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng cho biết, giá xăng tăng tạo áp lực rất lớn lên giá hàng hoá. Trước mắt, doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ giá, bởi giá nguyên liệu đầu vào họ đều đã ký kết hợp đồng trước đó. Tương tự, chi phí logistics cũng áp theo giá hợp đồng đã ký.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã dồn hết tài lực mới có thể cầm cự sản xuất khi thực hiện "3 tại chỗ". Thế nên, nếu giá xăng vẫn tiếp tục đà tăng mạnh, về lâu dài chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giá hàng hoá tăng lên theo.
Đại diện Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp vận tải sẽ phải tính chuyện tăng giá cước. Tuy nhiên, giá xăng thì tăng ngay, còn muốn tăng giá dịch vụ thì cần thương lượng, ký lại hợp đồng với đối tác. Nếu giá cước được điều chỉnh tăng lên thì giá hàng hoá cũng sẽ tăng theo tương ứng.
Trao đổi về tác động của giá xăng dầu tăng trên TTXVN, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Ngoài tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo ông Lâm, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, nhưng lại làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.
Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế, ông nhận định.
Theo báo Vietnamnet
Ban Biên tập VVFC (Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính).