Đầu tháng 4, hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo sẽ tiếp tục khai trương cửa hàng mới tại Vincom Phan Văn Trị (TP.HCM). Có mặt tại Việt Nam sau H&M và Zara, nhưng Uniqlo đang có tốc độ mở cửa hàng nhanh nhất. Hiện Uniqlo có 8 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Dù Uniqlo chưa công bố kết quả kinh doanh lẫn doanh số tại Việt Nam nhưng ông chủ của hãng thời trang này tiết lộ kế hoạch mở 100 cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam trong 10 năm tới. Đông Nam Á đang là một thị trường lớn của Uniqlo và Việt Nam được xem là có tiềm năng lớn nhất.
Nhiều thương hiệu mở rộng tại Việt Nam (Ảnh:D.Anh) |
Tương tự, hãng thời trang và dụng cụ thể thao Decathlon cũng vừa mở thêm cửa hàng thứ hai tại Mega Mall Thảo Điền (TP. Thủ Đức). Ngoài ra, các thương hiệu quốc tế từ trung đến cao cấp như Balenciaga, Tiffany & Co cũng có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý vừa qua chứng kiến sự mở rộng và gia nhập của nhiều nhãn hàng thời trang như Pandora, Weekend Max Mara. CBRE Việt Nam dự báo, các quý tới, nhiều nhãn hàng thời trang sẽ tiếp tục ra mắt, giúp thị trường bán lẻ sôi động hơn.
Trước đó, Louis Vuitton và Christian Dior đã khai trương cửa hàng tại Hà Nội. Savills đánh giá, thị trường bán lẻ đồ xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách du lịch quốc tế có giảm.
Theo báo cáo của Virac, thị trường Việt Nam đang có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức. Colliers International Vietnam cũng cho biết, tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam vẫn cao bất chấp đại dịch.
Nhiều tiềm năng
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam, nhận định, thời gian qua, những ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các đơn vị bán lẻ. Thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh. "Nhưng theo đánh giá của chúng tôi, đây là một quy luật đào thải tự nhiên. Làn sóng mở rộng của các thương hiệu ngoại cũng đang tạo ra những điểm sáng cho ngành bán lẻ", bà nói.
Khảo sát của Savills cho thấy, khu vực trung tâm có tình hình hoạt động khả quan hơn, các diện tích trống nhanh chóng tìm được khách thuê và hầu hết các trung tâm mua sắm đã được lấp đầy. Phân khúc bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh thời điểm hiện tại cũng đã và đang đón nhận nhiều nguồn đầu tư ngoại khi ghi nhận nhiều giao dịch mở mới một số thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng thời trang và phụ kiện, điều này cho thấy các thương hiệu quốc tế vẫn nhìn thấy tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Nhu cầu mua sắm của người Việt vẫn tăng mạnh (Ảnh: D.Anh) |
Thị trường tiêu dùng tại Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao. Doanh thu bán lẻ dự báo vẫn lạc quan. Theo Trading Economics, doanh số bán lẻ tại Việt Nam dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa với các nước Đông Nam Á khác. Năm 2021, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam dự kiến tăng 9,6% theo năm, tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020, theo Fitch Solutions. Các danh mục chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong 2021.
Theo báo cáo của McKinsey, người tiêu dùng có khả năng quay trở lại sớm hơn với hàng hóa cao cấp, như đã từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với mức tăng trưởng được dự báo từ 1% đến 4% vào năm 2021.
Các thương hiệu mở cửa thời điểm này cũng có lợi thế về giá. Các chủ nhà đã chủ động tìm cách hỗ trợ khách thuê như ưu đãi miễn phí tiền thuê trong suốt giai đoạn thi công hoặc áp dụng chiết khấu lên đến 40% trong 2-3 tháng đầu tiên đối với các giao dịch mới.
Bà Nguyễn Hoài An, CBRE Việt Nam, đánh giá, trong ba quý tới năm 2021, thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến chào đón 73.000 m2 mặt bằng mới, trong đó phải kể đến dự án Vincom Mega Mall Smart City. Ngoài ra, sau năm 2021, dự kiến sẽ có khoảng 200.000 m2 gia nhập thị trường. Các dự án mới này vẫn tập trung tại khu vực ngoài trung tâm.
Cư dân ở phía Bắc và Nam thành phố và các khu vực lân cận sẽ có thêm các lựa chọn để mua sắm và sử dụng dịch vụ khi hai dự án với quy mô lớn là Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Giáp Bát chính thức đi vào hoạt động.
Theo báo Vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC (Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính).