Đó là nhận định của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi tọa đàm Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam.
Đáng nói, GS. Võ còn thẳng thắn cho rằng: “Đại gia Việt Nam trưởng thành từ đất đai là chính chứ không phải do đầu tư giỏi, thương mại giỏi. Họ bắt đầu nguồn lực tài chính từ đất và giàu một cách siêu tốc nhờ đất”.
Bên cạnh đó, thị trường đất đai tại Việt Nam vẫn còn dùng thủ thuật để làm tăng giá trị, ví dụ như đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua quy hoạch, bố trí những cách thức khác nhau để giá trị đất đai tăng lên rất cao.
“Định giá đất ở Việt Nam cũng đang vào loại yếu kém nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. So với Thái Lan, Malaysia, Philippines thì chúng ta thua nhiều. Hơn nữa, về thuế đất, chúng ta có lẽ cũng là một nước thu thuế đất rất thấp khi chỉ thu 0,03% của giá trị theo bảng giá còn các nước thu khoảng 1% theo giá trị thị trường”, GS. Võ so sánh.
Do đó, được biết, khi Bộ Tài chính vừa nâng thuế đất từ 0,03% lên 0,4% thì gặp phản ứng ào ào.
“Nguồn thu thuế đất của chúng ta hiện nay khá thấp và điều đó thì không thuận lợi cho quá trình phát triển trong khi ở tất cả các nước, chỉ nhờ vào nguồn thu thuế đất tại đô thị cũng có thể đủ để phát triển đô thị đó. Nhưng ta thì đều dùng nguồn khác, chủ yếu là vốn ODA , vốn vay trái phiếu Chính phủ để phát triển đô thị. Đó là bất lợi rất lớn”, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân cho hay.
Về giải pháp, nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm đều cho rằng, nên tạo thói quen cho người dân cần công khai tư duy của mình về giá trị thửa đất mà mình đang sử dụng, có thể đó sẽ là tài liệu mà khi cần thiết sẽ tính thuế trên đó và cần đăng kí sao cho phù hợp với giá trị thật.
“Tất cả các cường quốc trên thế giới lớn mạnh lên được đầu tiên phải nhờ vào tài nguyên đất. Việt Nam phát triển thành công hay không cũng nằm ở chỗ sử dụng đất đai như thế nào. Biến nguồn lực đất đai thành nguồn lực tài chính là nghệ thuật của người quản lý. Làm sao để giá trị đất công tăng, mang lại hiệu quả rất cao về phát triển kinh tế”, GS. Đặng Hùng Võ cho biết.
Ngoài ra, theo ông Cường, điều quan trọng nhất là quá trình quản lý cần quản trị theo cơ chế thị trường chứ không phải quản lý theo tư duy bao cấp thì quản lý kinh tế về đất đai mới thực sự đem lại hiệu quả.
Theo Hồng Vân - www.dantri.com.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính