Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương đã phê duyệt 70 đề án của tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tính đến 31/12/2013 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.782 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.065 doanh nghiệp (bao gồm 3.650 doanh nghiệp và 415 bộ phận doanh nghiệp), còn lại 949 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (chưa kể các nông, lâm trường quốc doanh). Riêng giai đoạn 2011 - 2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp. Trong 11 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 115 doanh nghiệp.
Các Tập đoàn, Tổng công ty đã tập trung thực hiện tái cơ cấu 03 mục tiêu: tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp; tái cơ cấu về tài chính; tái cơ cấu về quản trị, lao động. Qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN từng bước được cải thiện đáng kể, tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh. Các TĐ,TCT đã tập trung thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối.
Công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã góp phần hoàn thiện và phát triển các yếu tố thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Về cơ chế chính sách, DNNN hoạt động chung với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhưng chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù đặt ra liên quan đến sự tồn tại và vận hành của các DNNN. Việc sử dụng các công cụ quản lý nhà nước đối với DNNN bằng các văn bản dưới luật dẫn đến hiệu lực thực thi chưa cao, làm giảm hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung và gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát, giám sát của Nhà nước.
Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa được thực hiện đầy đủ và triệt để. Vì vậy, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung cũng như hoạt động giám sát của nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư tại DNNN còn hạn chế.
Việc triển khai xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số doanh nghiệp còn chậm. Đến thời điểm hiện nay, có 90/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, còn 18/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chưa được phê duyệt Đề án tái cơ cấu.
Một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo về tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và các cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan của Nhà nước về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Các Bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Chuyển các doanh nghiệp không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của TĐ,TCT nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính; tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoáncủa DNNN và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 334/TB-VPCP tại Hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN tháng 8/2014.
Đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015.
Bộ chỉ đạo, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn 2015; Báo cáo Chủ sở hữu các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để giải quyết..
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả và tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về SCIC theo quy định.
Bộ Tài chính chú ý đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong tái cơ cấu doanh nghiệp cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành.
* Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính