Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phẩn hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Theo đó, tiến độ triển khai CPH giai đoạn 2016 - 2020 không đạt kế hoạch.
Một số ý kiến đề xuất bóc tách giá trị đất đai khỏi giá trị của doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ |
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN vừa diễn ra, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ CPH giai đoạn 2016 - 2020 cũng như hiện nay chậm trễ là do “mắc” trong vấn đề xử lý đất đai.
Theo ông Phớc, đối tượng DN CPH hiện nay chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty có phạm vi khắp cả nước, số lượng đất đai phải xử lý rất nhiều. Nếu áp dụng quy định hiện hành thì phải xử lý đất đai xong mới CPH sẽ mất nhiều thời gian.
Trường hợp điển hình là Agribank. Được khởi động CPH từ 2007 nhưng đến nay tiến trình trở thành ngân hàng đại chúng của Agribank vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Đất đai là nguyên nhân chính làm chậm tiến trình này. Tài sản là đất đai của Agribank rất phức tạp vì đa dạng nguồn gốc hình thành. Đây cũng là tình trạng chung của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi chuyển đổi mô hình.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cần bóc tách giá trị đất đai khỏi giá trị của DN để đẩy nhanh quá trình CPH đang chậm trễ.
Theo đó, ông Phớc đề xuất đất có nguồn gốc cổ phần hoá sẽ trả về lại Nhà nước, sau đó sử dụng cơ chế thuê đất khi cổ phần xong. “Nếu làm được điều này chúng ta sẽ CPH DNNN rất nhanh và tránh được những rủi ro trong vấn đề xác định giá trị DN”, ông Phớc nhận định.
Đồng quan điểm, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đối với những DNNN Nhà nước không cần nắm giữ, cơ quan quản lý DN tổ chức thật tốt công tác quy hoạch để đấu giá đất vàng nhằm bổ sung nguồn lực vào các DN chúng ta muốn hỗ trợ.
Theo một số chuyên gia, nếu theo phương án tách giá trị đất đai khỏi giá trị của DN thì có thể tốc độ CPH DNNN sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, có một vấn đề là khi chuyển sang thuê đất thì không mất nhiều thời gian để xử lý đất, nhưng có thể xảy ra tình huống không nhà đầu tư nào quan tâm đến DNNN đó nữa. Vì vậy, chỉ nên cói CPH là một trong những giải pháp để cơ cấu lại DNNN. Còn nhiều giải pháp quan trọng khác có thể cơ cấu lại DNNN như: đầu tư đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động DN…
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên CPH bằng mọi giá mà thay vào đó có thể thực hiện theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Làm cho DNNN tốt lên trước khi CPH nhưng kèm theo giải pháp để tránh lạm dụng trì hoãn công tác này. Mặt khác, cần tiếp tục đưa ra lộ trình CPH cho DNNN với thời hạn rõ ràng, “dài hơi” hơn, không nhất thiết là phải theo kế hoạch từng năm một mà có thể là 5 năm.
Trong chỉ đạo mới đây về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện CPH DNNN. Thủ tướng yêu cầu, CPH phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, không làm mất thương hiệu, bản sắc DN; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu trong quá trình CPH, thoái vốn nhà nước tại DN.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác quản trị DN, điều chỉnh phương thức quản trị DN, cạnh tranh theo cơ chế thị trường; có giải pháp cụ thể, rõ ràng để phân bổ hiệu quả nguồn lực của Nhà nước; tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu… tại DN; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước, vốn, tài sản DN theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo Đấu thầu