Không thể phục hồi thì phải phá sản
Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 1468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, Bộ Tài chính cho biết, tình hình các dự án, doanh nghiệp chưa có chuyển biến đáng kể, còn rất nhiều khó khăn.
Theo đó, chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi; 2 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ nhưng chưa bền vững; 1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại, 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.
Có 5 trên tổng số 12 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc với nhiều nội dung được doanh nghiệp đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn không thành công. Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng còn lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn.
Do đó, một trong những nhiệm vụ được nêu rõ tại Dự thảo là xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước; nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dự án hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài báo cáo cụ thể tình hình của từng dự án, đánh giá khả năng phục hồi hoặc phương án xử lý dứt điểm; tách riêng việc phục hồi sản xuất hoặc phá sản, thanh lý tài sản của dự án với việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Đồng thời, xác định giá trị thiệt hại do các cá nhân, tổ chức liên quan gây ra trong đó tính đến giá trị thu hồi từ đền bù của tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại, từ bồi thường của cơ quan bảo hiểm và từ bán thanh lý tài sản của dự án; trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đề xuất gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước với việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai hiệu quả phương án được duyệt. Ảnh: Lê Tiên
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước nghiêm túc xử lý hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm các doanh nghiệp trực thuộc thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo cơ chế thị trường, xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm giải trình của người đứng đầu
Cũng theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chưa đạt kết quả như kỳ vọng là do vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp.
Do đó, một trong những giải pháp được chú trọng tại Dự thảo là gắn trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước với việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt.
Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với công tác công khai thông tin của doanh nghiệp.
Nâng cao nhận thức của Mặt trận Tổ quốc các cấp về vai trò, vị trí của tổ chức này trong giám sát người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Đáng chú ý, người đứng đầu tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trách nhiệm giải trình về các hoạt động sản xuất kinh doanh trước Quốc hội; người đứng đầu tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm giải trình trước HĐND các cấp và trước cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Theo Xuân Yến - Báo Đấu thầu
Ban Biên tập VVFC (Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính).