Thoái vốn thu về gần 40.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/12/2018 có 15 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tổng giá trị DN là 29.934 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.543 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được phê duyệt là 18.477 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.204 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.293 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.843 tỷ đồng; số còn lại bán cho người lao động là 125 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5,8 tỷ đồng.
Về thoái vốn, tính đến 20/12/2018, các DN đã thoái được 7.885 tỷ đồng, thu về 18.334 tỷ đồng. Có 21 đơn vị thực hiện bán cổ phần lần đầu với tổng giá trị bán ra là 13.808 tỷ đồng, thu về 21.644 tỷ đồng. Như vậy trong năm 2018, tổng giá trị bán ra từ CPH và thoái vốn nhà nước là 21.693 tỷ đồng, tổng giá trị thu về 39.978 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn thu từ CPH, thoái vốn phải đảm bảo tối thiểu 250.000 tỷ đồng nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Từ năm 2016 đến 2018, đã có 155.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN được chuyển vào ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó, riêng năm 2018 quỹ đã chuyển về NSNN 65.000 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, báo cáo ước kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của các DN cho biết, tổng doanh thu kế hoạch của các DN năm 2018 là 783.791 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2018 là 809.528 tỷ đồng. Lãi phát sinh ước thực hiện là 99.310 tỷ đồng, thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN là 94.155 tỷ đồng.
Với năm 2019, dự toán doanh thu cả năm là 837.709 tỷ đồng, lãi dự toán là 98.114 tỷ đồng. Thuế và các khoản phát sinh phải nộp NSNN dự toán năm 2019 là khoảng 96.873 tỷ đồng.
Cổ phần hóa mới đạt 15/85 DN
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các DNNN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể như, việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của DN theo cơ chế thị trường...
Đặc biệt, việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo Quyết định số 707 của Thủ tướng. Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN. Tuy nhiên, năm 2018 mới CPH được 15 DN.
Tương tự, theo Quyết định 1232 của Thủ tướng, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; năm 2018 có 18 đơn vị). Như vậy, cả CPH, thoái vốn nhà nước đều còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường; chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên TTCK.
Năm 2019, Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Một trong các giải pháp là khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và DN có vốn nhà nước.
Về phía DN, các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình địa phương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định tại Nghị định số 167 và Nghị định số 126 năm 2017.
Một giải pháp được đề xuất là phải kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác.