Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trương Chí Trung ghi nhận và đánh giá cao vai trò của ADB trong việc xây dựng và từng bước hoàn chỉnh Chiến lược đối tác quốc gia cho Việt Nam gắn với định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cũng như các hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực tài chính mà ADB dành cho Việt Nam trong thời gian qua. Thứ trưởng cho biết, tính đến cuối năm 2015, danh mục vốn của ADB hỗ trợ cho Việt Nam gồm 64 dự án (84 khoản vay và viện trợ) với tổng vốn là 9,370 tỷ USD trong đó số vốn đã giải ngân là 4,454 tỷ USD. Số vốn viện trợ ADB huy động hàng năm cho công tác chuẩn bị dự án và các hỗ trợ kỹ thuật trị giá khoảng 4 triệu USD.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội trong thời gian tới khi Việt Nam chuyển sang giai đoạn là một nước có thu nhập trung bình, Việt Nam cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư để phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Việt Nam phải quản lý ngân sách bền vững, quản lý nợ hiệu quả thông qua việc nâng cao trách nhiệm và giải trình của các dự án tài trợ trong tương lai. Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách quản lý ngân sách, cải cách quản lý nợ để tiếp tục thu hút nguồn tài chính từ bên trong và ngoài nước gắn với quá trình nguồn vốn ODA ưu đãi cao (như ADF, IDA) giảm dần và nguồn vốn đầu tư kể cả cho các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục sẽ phải chấp nhận chi phí cao hơn trong thời gian tới. Thứ trưởng Trương Chí Trung mong muốn ADB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để tìm ra các giải pháp và cách tiếp cận phù hợp trong quá trình “tốt nghiệp” nguồn vốn ODA ưu đãi (ADF) trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ADB tại Việt Nam ông Eric Sigdwick khẳng định mục tiêu gắn Chiến lược đối tác Quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với quá trình Việt Nam triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và các định hướng lâu dài khi Việt Nam chuyển từ vị thế một nền kinh tế chậm phát triển sang giai đoạn phát triển của một quốc gia có thu nhập trung bình; bám sát xu thế chung của thế giới về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh theo kết quả của Hội nghị COP21 và sự xuất hiện của một số định chế tài chính phát triển mới. Đây cũng là giai đoạn điều chỉnh chiến lược tín dụng ưu đãi (ADF, IDA) của các định chế tài chính phát triển lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á. ADB khẳng định thông qua việc bám sát định hướng và tầm nhìn phát triển của các nước thành viên trong quá trình xây dựng chiến lược đối tác quốc gia. ADB tiếp tục đóng vai trò tích cực và hiệu quả trong quá trình phát triển của các nước đối tác trong đó có Việt Nam./.