“Rất nhiều dự báo về cuộc chiến thương mại này. Có ý kiến cho rằng đó là cơ hội tới hàng hóa của Việt Nam, nhưng tôi khẳng định đây không thể là cơ hội. Nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Những vấn đề như vậy đều có tác động đến Việt Nam”, ông nói.
Bộ Công Thương khẳng định không có cơ hội cho Việt Nam khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh minh họa.
Ông Chinh cũng cho rằng cái khó của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là không ai biết nó kết thúc khi nào. Có thể sau 1 tháng, cũng có thể 1 năm hoặc lâu hơn nữa. Chính vì vậy, khó đưa ra dự báo thời điểm kết thúc là một thách thức cho việc xây dựng chiến lược, chính sách của Việt Nam.
“Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa 2 nước lớn. Rất có thể Mỹ sẽ áp dụng chính sách này đối với các nước xuất siêu sang Mỹ. Thuận lợi hay không cần phải nghiên cứu thêm, nhưng thách thức đối với xuất khẩu là thấy rõ”, ông Chinh nói.
Giải pháp trước mắt được vị này đưa ra là phải thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: Tổ chức tốt nguồn hàng, thị trường xuất khẩu và làm tốt khâu tổ chức xuất khẩu.
Cần có biện pháp tự vệ hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã báo cáo lên Thủ tướng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ông nói rằng khi báo cáo Thủ tướng, Bộ đã có đánh giá chung và đã có những đề xuất ban đầu.
Bộ trưởng nhấn mạnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh, diễn ra giữa 2 siêu cường kinh tế.
Ông cho đây không chỉ là cuộc chiến cạnh tranh thương mại đơn thuần và cảnh báo Mỹ không chỉ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà còn chủ động áp dụng nhiều chính sách về thuế và rào cản thương mại với cả các đồng minh của mình. Do đó, diễn biến của chính sách này rất khó lường.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh biện pháp tự vệ khi nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại này không chỉ là ở các sắc thuế mà còn cả về bản quyền công nghệ, cơ cấu kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng…
“Từ cuộc chiến này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu. Chúng ta cần định hướng rất rõ, nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng cũng cảnh báo việc Mỹ áp hàng chục sắc thuế với hành hóa Trung Quốc hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ chảy vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
“Hoàn toàn có nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào nội địa Việt Nam. Chúng ta cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Không chỉ là Bộ Công Thương, mà còn là cơ quan Thuế, Hải quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng... Cần xem lại luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ”, ông nói.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có chính sách tự vệ với thép. Tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ như dệt may, da giày, đồ gỗ… Các sản phẩn này hoàn toàn có nguy cơ tràn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ông yêu cầu các đơn vị chức năng cần nghiên cứu biện pháp cụ thể một cách nhanh chóng.
“Chúng ta cần có biện pháp cả về nghiên cứu thị trường, tổ chức trong triển khai thực hiện. Cần đánh giá được tầm vóc của nguy cơ đó và đưa ra đề xuất. Cũng cần làm tốt thông tin thị trường, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tăng cường kiến tạo cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới”, ông nói.
Trước đó, Bloomberg dẫn thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu áp đặt thuế quan trị giá 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào nguy hiểm bởi những hành động trả đũa lẫn nhau.
Thậm chí, ông Trump còn nói rằng cuối cùng tổng số hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế có thể lên đến 550 tỷ USD, lớn hơn cả lượng hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hàng năm.
Vào 0h01 sáng 6/7 theo giờ Washington, hải quan Mỹ bắt đầu thu thuế 25% đối với loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ máy cày cho đến chip bán dẫn và linh kiện máy bay. Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sau nhiều tháng buộc tội Bắc Kinh ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và khiến thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng phình to.
Theo Hiếu Công - www.news.zing.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính.