Việc thống nhất chủ trương trên của Sở Xây dựng Đà Nẵng căn cứ Tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam TCVN 9411:2012 về nhà ở liền kề; TCXDVN 194-2006 về nhà cao tầng; ý kiến trả lời của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Sở Giao thông Vận tải thành phố. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành và nhu cầu thực tế trong quá trình phát triển đô thị trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi công năng nhà ở sang loại hình công trình dịch vụ, thương mại…, Sở Xây dựng đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết thủ tục xem xét cho phép chuyển đổi, ngoài những quy định bắt buộc khi cấp phép kinh doanh, cần đặc biệt lưu ý và thực hiện một số vấn đề sau:
Không cho phép chuyển đổi công năng sang loại hình cơ sở sản xuất và các loại hình dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng và mỹ quan đô thị; không cho phép chuyển đổi công năng đối với công trình nằm trong các kiệt, hẻm.
Đối với đường giao thông có vỉa hè, lòng đường nhỏ hơn 7,5m cần xem xét kỹ khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là hạ tầng giao thông) khi gia tăng mật độ lưu trú và gia tăng các phương tiện tham gia giao thông; đồng thời về lâu dài phải có đề xuất các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tối đa tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật cho khu vực.
Phải phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt; bảo đảm đủ diện tích đậu, đỗ xe cho công trình; đồng thời phải hoàn thành các thủ tục về PCCC và môi trường theo đúng quy định (nếu công trình nằm trong đối tượng phải thực hiện thủ tục PCCC và môi trường).
Phải thực hiện công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Trường hợp công trình không thuộc diện phải được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, thì phải có cam kết của chủ sử dụng và đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng về an toàn kết cấu công trình.