Lũy kế từ năm 2011 đến ngày 30/11/2015, cả nước cổ phần hóa được 422/538 doanh nghiệp (đạt 78% kế hoạch giai đoạn 2011-2015); giai đoạn 2014 đến ngày 30/11/2015 đã cổ phần hóa đạt 316/432 doanh nghiệp (đạt 73% kế hoạch giai đoạn 2014 - 2015). Riêng 2 năm 2014-2015, cổ phần hóa được 353 doanh nghiệp, còn 79 doanh nghiệp được chuyển sang cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020.
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong năm 2015, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 11/2015, các đơn vị đã thoái được 4.975.107 triệu đồng, thu về 4.636.071 triệu đồng. Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp là 15.678.456 triệu đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên số phải thoái giảm 1.730.985 triệu đồng).
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Chính phủ đã đề ra kế hoạch tái cơ cấu cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước sẽ cổ phần hóa khoảng 250 - 280 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phân loại, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ các doanh nghiệp được phân loại theo tiêu chí tại Quyết định sửa đổi Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg.
Đối với công tác sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp cần tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể: cả nước có 43 địa phương, 01 Bộ, 01 tập đoàn và 4 tổng công ty quản lý các công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng phải xây dựng phương án tổng thể sắp xếp lại theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp của các bộ, ngành, dịa phương, tập đoàn, tổng công ty. Tính đến ngày 25/12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt phương án tổng thể của 39 địa phương, 01 Bộ, 01 tập đoàn và 04 tổng công ty gồm 237 doanh nghiệp (102 công ty nông nghiệp, 135 công ty lâm nghiệp). Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án của 29 địa phương, 01 Bộ, 01 tập đoàn và 04 tổng công ty gồm 200/250 doanh nghiêp phải phê duyệt. Trong đó, 13 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn thực hiện sản xuất, kinh doanh; 50 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn thực hiện nhiệm vụ công ích, 59 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 35 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ; 20 doanh nghiệp chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; 03 doanh nghiệp chuyển thành Ban Quản lý rừng phòng hộ; 20 doanh nghiệp giải thể.
Giải pháp trong thời gian tới
Một là, nhóm giải pháp đối với Bộ Tài chính: Tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với việc kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN (nếu có), đơn vị tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn. Theo đó, trong thời gian tới, các Nghị định về cổ phần hóa như Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP sẽ được đơn vị nghiên cứu, soạn thảo thành một nghị định chung, thống nhất.
Hai là, nhóm giải pháp đối với các Bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục quyết liệt để hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái vốn đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch năm 2015; Tập trung nghiên cứu xây dựng các Đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN (gồm cả công ty nông lâm nghiệp). Trong đó tập trung ban hành: tiêu chí phân loại DNNN cho phù hợp với giai đoạn tới (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước); hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN ban hành Điều lệ và Quy chế tài chính phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các hình thức sắp xếp khác phù hợp với hệ thống Luật mới ban hành như cơ chế bán toàn bộ doanh nghiệp, bán một phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên, sáp nhập, hợp nhất, chia tách DNNN.
Trên cơ sở tiêu chí phân loại mới ban hành (thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/7/2014), tập trung hoàn thành trình Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN để triển khai ngay từ đầu năm 2016; Không ngừng quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu DNNN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng Đề án đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm đối với Lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; Đẩy mạnh rà soát bán phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Bộ Tài chính thực hiện quản lý, giám sát nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp để tập trung nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn để đầu tư các công trình trọng điểm của Nhà nước.
Tăng cường công tác tái cơ cấu và nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của DNNN; Tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Triển khai công tác đánh giá giám sát DNNN theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP; Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của chủ sở hữu nhà nước, tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành và đơn vị có liên quan; Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát DNNN. Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các TĐ, TCT nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu DNNN. Hình thành cơ quan quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính để tăng cường công tác giám sát các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Theo mof.gov.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính