Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc vừa trải qua một cú sốc không thua kém cơn hoảng loạn hồi năm 2015. Vốn hóa của thị trường bốc hơi hàng chục ngàn tỷ USD xuống chỉ còn 6,09 ngàn tỷ USD và đánh mất vị trí số 2 vào tay người Nhật.
Giảm rất mạnh 17-20% trong một thời gian ngắn nhưng giới đầu tư sợ không dám bắt đáy cổ phiếu trên thị trường Trung Quốc. Tất cả đều lo ngại không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai với nền kinh tế Trung Quốc, với thị trường tài chính Trung Quốc khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa biết sẽ có kết cục như thế nào.
Tới thời điểm này, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu (kích hoạt cuộc chiến thương mại từ 6/7) và theo kế hoạch sẽ áp mức thuế cao này lên 16 tỷ USD nữa, chưa kể tới những toan tính đánh thuế khủng như 25% lên 200 tỷ USD, hay 10% lên 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Nỗi lo sợ dâng cao khiến các thị trường tài chính Trung Quốc chao đảo. Trong khi đó, giới đầu cơ tại Trung Quốc và trên thế giới đang tung những đòn chí mạng vào TTCK nước này. Giá cổ phiếu Trung Quốc tiếp tục giảm. Điều đáng ngại là nhiều công ty quản lý quỹ gần đây mới tuyên bố bán khống cổ phiếu Trung Quốc. Nó khiến áp lực lên các thị trường ngày một tăng lên cùng với những tuyên bố và hành động khó lường từ phía ông Donald Trump.
Đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng bị bán khống. Đồng NDT của Trung Quốc gần đây rơi vào vòng xoáy giảm giá cũng tệ hại hơn cả cú sốc tỷ giá hồi tháng 8/2015, cú sốc từng ảnh hưởng tiêu cực lên toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu. NDT đã giảm khoảng 8% trong vài tháng qua, và giảm khoảng hơn 5% tính từ đầu năm.
Nền kinh tế Trung Quốc trong khi đó giảm tốc trong quý 2. Sản lượng công nghiệp tháng 6/2018 của Trung Quốc chỉ tăng 6%, thấp nhất 2 năm và thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 6,5%. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng nhưng có thể do các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trước thuế cao của Mỹ và nhiều khả năng sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Tình hình xấu khiến giới chuyên gia nhiều người thúc giục cơ quan quản lý Trung Quốc đẩy mạnh kích cầu thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ - những biện pháp mà Bắc Kinh đã làm mạnh trong cả chục năm qua - nhằm duy trì tăng trưởng ở mức cao, tránh những bất ổn xã hội.
Lo ngại gia tăng, thị trường khó kiểm soát
Trong cơn hoảng loạn của TTCK hồi 2015, chính quyền Trung Quốc đã phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để giữ thị trường tài chính khỏi sụp đổ. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2018, việc đồng NDT giảm giá được xem là cách mà Trung Quốc lựa chọn để chống lại hành động leo thang tăng thuế thương mại của Mỹ. Đó có thể coi là một cuộc chiến tiền tệ.
Khẩu hiệu của ông Trump: Make America Great Again.
Tuy nhiên, đồng NDT giảm giá quá mạnh lại là con dao hai lưỡi. Trung Quốc có thể phải trả giá bằng niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước. Một đồng NDT suy yếu mạnh có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, cả trên TTCK lẫn ở các dự án đầu tư nước ngoài.
Điều nhiều người còn lo sợ hơn cả một đồng NDT mất giá hay TTCK giảm giá là các mũi dùi đang đồng loạt chĩa về nền kinh tế Trung Quốc. Những quyết định cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và làn sóng tẩy chay dòng vốn, dòng hàng hóa từ Trung Quốc.
Trong vài năm gần đây, truyền thông Trung Quốc đã vẽ ra một tương lai sáng cho nền kinh tế Trung Quốc, nhất là ở vào thời kỳ ông Barrack Obama còn là tổng thống Mỹ, rằng Trung Quốc đang thắng Mỹ trong cuộc chiến kinh tế.
Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc chỉ cần vài năm nữa là vượt Mỹ về GDP. Tính dựa trên phương pháp ngang giá sức mua (PPP), thì GDP Trung Quốc ở thời điểm 2015 đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ tháng 9/2015, GDP Trung Quốc tính theo PPP và theo tỷ giá khi đó đó vào khoảng 18,9 ngàn tỷ USD, nhiều hơn mức 18,1 ngàn tỷ USD của Mỹ.
Trung Quốc cũng đã đặt ra những mục tiêu rất tham vọng như: “Made in China 2025”, chiến lược xây dựng một nền kinh tế ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, một chương trình đầy tham vọng của Trung Quốc về sự thống trị về công nghệ.
Tham vọng trên biển và đất liền của Trung Quốc.
Bên cạnh đó là sáng kiến “Một vành đai, một con đường” - một tham vọng nhằm kết nối và gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á, châu Phí và cả châu Âu.
Với sức mạnh kinh tế tăng lên đáng kể vươn lên vị thế số hai thế giới, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng tầm ảnh hưởng kinh doanh và tài chính để đạt được những gì họ muốn. Đó là cuộc tẩy chay hàng hóa Nhật hồi 2011-2012 nhằm mạnh vào hãng xe Toyota sau tranh chấp vấn đề chủ quyền biển đảo; vụ tẩy chay và nhấn chìm Lotte và Huyndai Motor của Hàn Quốc vì vấn đề phòng thủ Triều Tiên; vùi dập hàng hóa Philippines...
Trong các cuộc tranh chấp, thiệt hại lớn chắc chắn nghiêng về các nước nhỏ. Nhưng với Mỹ, kết quả có thể sẽ hoàn toàn khác. Ông Trump gần đây có cú đánh mạnh vào tham vọng công nghệ của Mỹ qua vụ ngăn doanh nghiệp nào có từ 25% cổ phần do Trung Quốc nắm giữ trở lên thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ hay vụ cấm vận hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc ZTE khiến tập đoàn này thiệt hại khoảng 3 tỷ USD.
Đòn thuế cao áp diện rộng vào hàng hóa Trung Quốc cũng gây ra lo lắng cho các thị trường tại Trung Quốc. Trong một tuyên bố mới nhất, theo Bloomberg, ông Trump tự tin cho rằng mình cao tay hơn Trung Quốc về thương mại. Theo ông Trump, TTCK Trung Quốc đang sụt giảm mạnh và điều này làm suy yếu sức mạnh đàm phán của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, thị trường tài chính Mỹ đang "mạnh hơn bao giờ hết".
Cuộc chiến Mỹ - Trung có thể còn kéo dài ở vào thời kỳ có dấu hiệu thế 2 cực đang hình thành, thay thế cho thế đa cực sau Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc có nhiều con bài như kiểm soát chặt chẽ tỷ giá NDT, thanh khoản và các biện pháp kiểm soát dòng vốn ngặt nghèo,... Nhưng sự hoảng sợ về khả năng mất kiểm soát đã bắt đầu xuất hiện dưới thời ông Donald Trump.
Theo M.Hà - www.vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính