Địa phương không dành dư địa để tự giao chỉ tiêu phấn đấu thu
Ngay từ giữa năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý dự toán thu NSNN năm 2020 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ, trên cơ sở đánh giá sát tình hình thu các năm từ 2016 đến 2018 và ước thực hiện năm 2019; đồng thời tính đến những nhân tố tác động làm thay đổi tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư, phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tính toán các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu…
Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2020. Theo Bộ Tài chính, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đặt ra phải giải quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu phấn đấu dự toán thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) năm 2020 tăng tối thiểu 12 - 14% so với ước thực hiện năm 2019. Dự toán thu nội địa bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 10 - 12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019.
Đối với các địa phương, Bộ Tài chính cho rằng, mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của từng địa phương. Tuy nhiên, trong xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn, các tỉnh cần rà soát, lập dự toán thu NSNN tích cực, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh để tính đúng, tính đủ nguồn thu. Trong đó, Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý địa phương không dành dư địa để tự quy định giao chỉ tiêu phấn đấu thu; lấy chỉ tiêu pháp lệnh thu NSNN Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao làm căn cứ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn.
Thu theo khả năng của nền kinh tế
Dự toán sát hơn nguồn thu, phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là bài toán đặt ra đối với ngành Tài chính. Những năm qua, do đặt dự toán khá cao, thường gấp 2 - 3 lần tốc độ tăng của GDP nên đã gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Ví dụ đối với dự toán thu từ 3 khu vực kinh tế (thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp FDI và thu từ sản xuất kinh doanh) đều khó đạt dự toán khi dự toán thu cao hơn khả năng thực tế. So với thực hiện năm 2017, dự toán thu năm 2018 của khối DNNN tăng 13,1%, thu từ khu vực FDI tăng 30,1%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%; trong đó tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại chỉ là 11%. Do đó năm 2019, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ở mức phù hợp hơn, tăng 7,7% so với năm 2018, trong đó khu vực DNNN bằng mức thực hiện năm 2018, khu vực FDI tăng 13,4% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%.
Nhờ xây dựng dự toán phù hợp hơn, thu NSNN 7 tháng năm 2019 đạt kết quả khả quan, tốc độ đạt dự toán cao hơn so với nhiều năm trở lại đây. Có 53/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán, nguồn thu từ một số khu vực đạt cao so với cùng kỳ nhiều năm. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã bày tỏ vui mừng và biểu dương ngành Tài chính khi tốc độ tăng thu gần gấp đôi tăng trưởng kinh tế.
Vừa qua, lãnh đạo nhiều địa phương đã cam kết sẽ phấn đấu thu đạt và vượt mức dự toán NSNN được giao trong năm 2019. Tuy nhiên, trong năm 2020, một số tỉnh đề nghị giao dự toán thu cần sát hơn nữa với thực tế, để địa phương có khả năng phấn đấu hoàn thành dự toán, đặc biệt là giao dự toán thu từ DNNN, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh. Ví dụ tại Quảng Bình, dự toán thu từ DNNN, thu từ sản xuất kinh doanh vẫn còn cao, nên những năm gần đây không đạt dự toán thu từ khu vực này. Một số địa phương cũng gặp phải tình trạng tương tự Quảng Bình.
Theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đã quán triệt nguyên tắc điều hành “thu theo khả năng của nền kinh tế”. Do đó, trong thực hiện giao dự toán cho các địa phương, sẽ bao quát hết các nguồn thu và dựa trên cơ sở dự kiến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chính sách thu hiện hành. Chính vì dự toán sát các nguồn thu, những năm gần đây, thu NSNN của địa phương hầu hết đều đạt và vượt dự toán. Tuy nhiên, cũng có một số ít địa phương hụt thu do nhiều nguyên nhân bất khả kháng như các cơ sở kinh doanh mới đi vào hoạt động, hay doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.
Chính vì vậy, phát biểu trước Quốc hội cũng như tại cuộc làm việc với một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đặc biệt lưu ý các địa phương bên cạnh việc tăng cường biện pháp quản lý thu, nhằm tăng thu về cho ngân sách, cần cơ cấu lại nguồn thu theo hướng bền vững, hiệu quả hơn.