Ước thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2018 là hơn 239.573 tỷ đồng.
Đối với dự án có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, chủ đầu tư khẩn trương gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) để làm cơ sở thanh toán dứt điểm cho nhà thầu.
Vẫn còn 2 ngành chưa giải ngân đồng vốn nào
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2018 là hơn 239.573 tỷ đồng, đạt 59,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 61,62% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt tương ứng 59,21% và 65,12%).
Trong đó: Vốn trong nước giải ngân được hơn 218.330 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch Quốc hội giao và 65,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giải ngân hơn 15.540 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân hơn 6.942 tỷ đồng). Vốn ngoài nước giải ngân hơn 21.243 tỷ đồng, đạt 38,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 57,11%).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhìn chung, số liệu giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương 11 tháng năm 2018 đạt thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017. Có 5 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch; trong đó có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90% (Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp. Có 31/56 bộ, ngành và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65% kế hoạch năm. Trong đó, còn 21 bộ, ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Đặc biệt, 13 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải ngân đạt 28,5%; Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam giải ngân đạt 12,9%; Bộ Y tế giải ngân đạt 10,5%; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giải ngân 4,95%... Thậm chí có 2 ngành trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đó là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá.
Điều chuyển vốn nếu chậm giải ngân
Trong báo cáo mới đây gửi về Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ xem xét điều chuyển số vốn dư của 4 dự án ODA giải ngân chậm sang Dự án xây dựng Trường Đại học Việt Đức có khối lượng hoàn thành năm 2018 và đang bị thiếu vốn.
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do không thực hiện hết kế hoạch được giao, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, ngày 9/11/2018 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 597/NQ-UBTVQH14 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn TPCP năm 2018 giữa các bộ, địa phương. Theo đó, đã giảm hơn 1.267,5 tỷ đồng kế hoạch vốn TPCP 2018 của hai bộ (Bộ Giao thông vận tải là hơn 1.047,5 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 220 tỷ đồng) để bổ sung vốn cho các dự án của Bộ Quốc phòng và một số địa phương.
Theo Bộ Tài chính, việc giải ngân chậm là do một số bộ, ngành, địa phương, một số chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch. Đồng thời, chủ đầu tư chậm hoàn thiện trong công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công...
Theo quy định, kế hoạch vốn năm của dự án chỉ thanh toán cho khối lượng hoàn thành được nghiệm thu đến ngày 31/12 của năm kế hoạch. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung rà soát các khối lượng đã thực hiện để nghiệm thu trong tháng 12, trên cơ sở đó hoàn thiện thủ tục thanh toán gửi ngay ra KBNN để thanh toán theo quy định. Đối với các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương gửi KBNN để làm cơ sở thanh toán dứt điểm cho nhà thầu theo quy định hiện hành.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính với vai trò được giao là cơ quan quản lý thanh toán vốn đầu tư, trong quá trình điều hành ngân sách đã luôn chủ động tổng hợp, nắm bắt tình hình, bám sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án, tích cực tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, cơ chế quản lý giải ngân đã được sửa đổi, đơn giản tối đa về trình tự, thủ tục, thời gian.
Tại hội thảo gần đây, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, Chính phủ cần đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công và kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục quản lý đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.
13 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải ngân đạt 28,5%; Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam giải ngân đạt 12,9%; Bộ Y tế giải ngân đạt 10,5%; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giải ngân 4,95%... Thậm chí có 2 ngành trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đó là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá. |