Ngay trong chiều ngày 18/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn Thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123. siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Mặc dù đang phải đối mặt với một số khó khăn như: nguồn nhân lực, vận chuyển hàng hóa qua địa phận các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung cấp cho các tỉnh phía Nam…, song lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh, trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng.
Tính đến thời điểm này, Thành phố Hà Nội đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tình huống có thể xảy ra. Các doanh nghiệp phân phối đã chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 đến 5 lần tại các kho hàng và tại các kho ở siêu thị. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán vào thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại doanh nghiệp đã gia tăng dự trữ hàng hoá thiết yếu với mức tăng từ 30%-50%. Đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm.
Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có nhu cầu tăng cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 03 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu) và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công Thương đã đề nghị các hệ thống phân phối cần chủ động hơn nữa nắm sát tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phòng chống dịch…
Cũng như có phương án chi tiết thu mua hàng hóa, đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa từ các kho hàng: kho từ các tỉnh đến kho trong địa bàn thành phố, từ kho của Thành phố đến các điểm bán hàng. Đặc biệt quan tâm bố trí nhân lực sắp xếp hàng hóa trên các giá kệ phục vụ nhu cầu của nhân dân, không được thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo antoàn thực phẩm, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt.
Bên cạnh việc phục vụ người dân, các hệ thống bán lẻ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động và người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K về phòng chống dịch, phân luồng, đảm bảo giãn cách tại các điểm bán, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch cho người lao động,hạn chế tối đa người lao động bị nhiễm dịch để đảm bảo nguồn nhân lực.
Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp cho các hệ thống phân phối các doanh nghiệp có nguồn cung thiết yếu của các tỉnh, thành phố và Hà Nội để các doanh nghiệp chủ động kết nối nguồn cung, tăng lượng hàng phục vụ nhân dân. Đồng thời, sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện, cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán.
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị Tổng công ty vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới các điểm bán trên toàn thành phố. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí về logistics.
Ban Biên tập VVFC (Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính).