“Giờ chúng ta cần nghĩ đến việc liệu chiến tranh thương mại có biến thành chiến tranh lạnh về kinh tế hay không”, Jing Ulrich - Phó chủ tịch mảng châu Á - Thái Bình Dương tại JP Morgan Chase cho biết trên CNBC, “Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách nội địa vì sức ép bên ngoài đâu. Vấn đề là cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn dẫn đầu về công nghệ. Ở rất nhiều lĩnh vực, Trung Quốc đã đi tiên phong rồi”.
Thị trường chứng khoán hai nước tuần này đều tăng điểm, bất chấp thông báo về thuế mới. Các nhà phân tích cho rằng mức thuế này không mạnh tay như họ dự đoán, và vẫn có hy vọng hòa giải. Tuy nhiên, thực tế có thể chứng minh điều ngược lại, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau, đều đang theo đuổi mục tiêu phát triển riêng.
Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Bắc Kinh đang trong quá trình chuyển dịch tăng trưởng sang dựa vào tiêu dùng, thay vì sản xuất. Quá trình này được dự báo kéo dài nhiều năm. Chính phủ Trung Quốc cũng đã khởi động chương trình “Made in China 2025”- kế hoạch chiến lược giúp biến Trung Quốc thành cường quốc công nghiệp toàn cầu, nổi bật là công nghệ.
Chính quyền Mỹ thì luôn nhấn mạnh mục tiêu của họ là chương trình “Made in China 2025”. Nước này muốn buộc Trung Quốc thay đổi các chính sách, như ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.
“Tôi cho rằng Trung Quốc đang đi trước Mỹ 5 năm về việc tích hợp số hóa vào nền kinh tế”, Arun Sundararajan - Giáo sư tại Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York nhận xét. Tuy vậy, Mỹ vẫn dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.
Vòng áp thuế mới nhất của Mỹ lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sẽ có hiệu lực ngày 24/9. Mức thuế khởi điểm là 10% và sẽ lên 25% từ đầu năm sau. Bắc Kinh cũng đã trả đũa bằng mức thuế 5% và 10% lên 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Giữa tuần này, các nhà phân tích tại JP Morgan cũng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ mất 0,6% vì thuế nhập khẩu. Việc này sẽ càng gây sức ép cho nền kinh tế lớn nhì thế giới, trong bối cảnh họ đang chuyển dịch tăng trưởng và nỗ lực giảm phụ thuộc vào vay nợ. “Việc này sẽ không hề dễ dàng”, Ulrich nhận định, “Con đường phía trước sẽ rất gập ghềnh”.
Trong một sự kiện của Alibaba đầu tuần này, Chủ tịch Alibaba - Jack Ma cũng dự báo căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài hai thập kỷ và sẽ có quy mô lớn hơn dự tính. Ông cho rằng đây sẽ là một “mớ hỗn độn” với tất cả các bên liên quan.
Theo Hà Thu - www.vnexpress.net
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá Bộ Tài chính