Sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn, Venezuela từng được biết đến là quốc gia giàu thứ tư trên thế giới tính theo GDP đầu người vào khoảng đầu thế kỉ XX.
Tuy nhiên, từ khi giá dầu tụt dốc, quốc gia Nam Mỹ này đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng và hiện đang ngày càng lún sâu trong những bất ổn kinh tế và xã hội, với tỉ lệ lạm phát được dự đoán có thể lên đến 1 triệu phần trăm trong năm 2018.
Trái ngược với tình hình bất ổn của Venezuela, thì tại châu Á, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển đều đặn, và hiện nay Bắc Kinh còn đang rải vốn đầu tư ở rất nhiều quốc gia trên thế giới để gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Thoạt nhìn sự so sánh ấy, rất nhiều người có thể nghĩ rằng nền kinh tế của hai quốc gia Trung Quốc và Venezuela khó có thể có điểm chung hay bất kì sự liên quan nào.
Tuy nhiên, theo tác giả Christopher Balding của tờ Foreign Policy, hai quốc gia này có liên quan đến nhau nhiều hơn ta tưởng - đặc biệt là với dự án mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới thông qua chiến lược ngoại giao bằng tài chính.
Ông Balding cho rằng tình trạng khủng hoảng của Venezuela có thể sẽ là bài học nhãn tiền cho những con nợ của Trung Quốc và chính Bắc Kinh.
Chỉ trong vòng vài năm sau khi cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chávez lên nắm quyền tại nước này vào năm 1999, Trung Quốc bắt đầu cho người đồng minh của mình vay ngày càng nhiều tiền hơn.
Đến năm 2006, khoản nợ của chính quyền ông Chávez đã ở mức đáng báo động, khiến ông Paul Wolfowitz, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) vào thời điểm đó, phải đưa ra cảnh báo nguy cơ "các quốc gia vừa được xóa nợ lại tiếp tục lâm vào cảnh nợ nần", trong đó có Venezuela.
Ngày nay, người dân Venezuela phải mang theo những bao tải tiền lớn để chi trả cho những nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Ảnh: Reuters.
Trên mặt giấy tờ, việc vay tiền từ Bắc Kinh không đi kèm bất cứ ràng buộc hay lo ngại về các vấn đề phi tài chính nào khác. Trung Quốc thường không mấy quan tâm đến những vấn đề như bảo vệ môi trường hay chống tham nhũng và tiêu cực trong các dự án ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại có những yêu cầu rất khắt khe nếu đó là vấn đề có liên quan tới mối quan tâm và lợi ích của nước này.
Kể từ năm 2000, động lực thúc đẩy Trung Quốc tăng cường đầu tư và cho nước ngoài vay vốn là mở ra các thị trường xuất khẩu mới và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trung Quốc vừa muốn có thêm 'bạn' ở phương Tây, vừa muốn được tiếp cận với nguồn dầu mỏ. Điều này khá khớp với mong muốn kiếm thêm khách hàng tiêu thụ dầu mỏ (ngoài Mỹ) trên thế giới của Venezuela.
Thế nhưng, Trung Quốc chưa từng 'nể tình' tạo điều kiện hay ưu đãi cho các khoản vay của Venezuela, mà ngược lại Venezuela lại phải vay vốn với mức lãi suất 'cắt cổ'.
Giờ đây Trung Quốc luôn từ chối đàm phán lại với Venezuela về các khoản nợ ấy, dù nền kinh tế và ngành công nghiệp của quốc gia Nam Mỹ này đang đứng trước vực thẳm.
Từ năm 2007 đến năm 2014, Trung Quốc đã cho Venezuela vay 63 tỉ USD - chiếm 53% tổng số tiền nước này cho vay tại các quốc gia Mỹ Latinh. Tất nhiên, để đảm bảo 'con nợ' hoàn trả số tiền lớn này, Bắc Kinh đã đưa ra điều kiện rằng Venezuela phải trả nợ cho họ bằng dầu thô.
Vừa hay, trong khoảng thời gian này, giá dầu thô đang giữ mức kỉ lục 100 USD/thùng, do đó thỏa thuận kí với Trung Quốc có vẻ là món hời đối với Venezuela.
Tuy nhiên, khi giá dầu giảm xuống còn hơn 30 USD/thùng vào tháng 1/2016, quốc gia Nam Mỹ này đã thực sự lâm vào khủng hoảng nợ. Ngày nay số "nợ" của Venezuela đã tăng lên gấp đôi so với ban đầu nếu tính theo đơn vị thùng dầu.
'Hiệu ứng domino' bắt đầu từ khủng hoảng của Venezuela?
Tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay không chỉ là khó khăn đối với riêng Venezuela, mà Trung Quốc cũng đang phải đối diện với rủi ro lớn về ngoại giao và tài chính nếu chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro thất bại.
Theo đó, rất có thể chính phủ mới của Venezuela sẽ từ chối hoàn toàn nghĩa vụ với Trung Quốc từ thời Tổng thống Maduro, và quay sang xin Mỹ giúp đỡ. Đó sẽ là điều rất đáng hổ thẹn đối với Trung Quốc - cả về kinh tế và chính trị.
Nhưng không chỉ đơn giản là vấn đề giữa Caracas và Bắc Kinh, việc Venezuela vỡ nợ sẽ còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Thỏa thuận với Venezuela rất giống với những thỏa thuận Trung Quốc đã kí với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khuôn khổ siêu dự án Vành đai và Con đường.
Với sức mạnh về tài chính cùng chuyên môn cao về cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội vươn xa ảnh hưởng và kiếm thêm nhiều đồng minh trên thế giới.
Sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thất bại trong việc mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, và kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Bắc Kinh lại càng dễ dàng thực hiện tầm nhìn địa chiến lược này hơn.
Rất nhiều quốc gia châu Á từng bày tỏ mong muốn (cả thầm kín lẫn công khai) rằng Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn hơn, thay vì để Trung Quốc thống lĩnh trong khu vực. Nhưng khi phải lựa chọn giữa một thỏa thuận liều lĩnh với Bắc Kinh và việc không có thỏa thuận nào với phương Tây, thì nhiều quốc gia đã lựa chọn Trung Quốc.
Venezuela lâm vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay là do chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ, kèm theo đó là những lời đề nghị có vẻ hào phóng của Trung Quốc khiến nước này lại tiếp tục vay nợ, dù không đủ khả năng chi trả.
Người dân Venezuela chật vật trong khủng hoảng. Ảnh: Economic Wire.
Rất nhiều quốc gia trong dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng trải qua điều tương tự như Venezuela. Do lo lắng về nền kinh tế trì trệ, chính phủ nhiều nước đã vay tiền từ Trung Quốc để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng không có tiềm năng sinh lời, bất chấp những hậu quả về lâu dài.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định chỉ đầu tư với mục đích thương mại, nhưng lịch sử của nước này và Venezuela lại chứng minh điều ngược lại. Một số quốc gia trên Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã trải nghiệm bài học xương máu khi vay tiền của Bắc Kinh, với Sri Lanka và Pakistan là những ví dụ điển hình.
Do không đủ khả năng trả nợ cho Trung Quốc, Sri Lanka đã phải cho Bắc Kinh thuê một cảng biển chiến lược trong vòng 99 năm để cấn trừ nợ.
Còn đối với Pakistan, đó là vòng xoáy vay nợ dường như không có điểm dừng, khi nước này vừa nhận hỗ trợ khẩn cấp của Bắc Kinh trong năm trước, nhưng lại có dự định tiếp tục vay 52 tỉ USD từ Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm tới.
Khi 'con nợ' đau, 'chủ nợ' cũng thấm đòn
Nguy cơ vỡ nợ của Venezuela cho thấy những con nợ khác của Trung Quốc cũng đối mặt với nguy cơ tương tự, khi tiếp tục vay những khoản tiền lớn mà không có chính sách hợp lý và đặc biệt là khả năng chi trả cho chủ nợ.
Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt. Theo Foreign Policy, giới chức Trung Quốc đã chuẩn bị tâm lý đối mặt với những khoản thiệt hại đáng kể khi quyết định đầu tư vào các quốc gia Nam Á và Trung Á không có khả năng trả nợ như Sri Lanka và Pakistan.
Ban đầu, chính phủ Trung Quốc dự định đầu tư 5.000 tỉ USD trong vòng 10-15 năm cho dự án Vành đai và Con đường. Nếu dự định này được nghiêm túc thực hiện thì khoản tiền Trung Quốc cho vay sẽ chiếm một phần rất lớn trong GDP của nước này.
Điều đó có nghĩa là nếu con nợ của Bắc Kinh không thể trả nợ, thì ngay cả khoản tiền nhỏ cũng sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt cả về kinh tế và chính trị.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục vung tiền mạnh tay và khiến các con nợ của mình khánh kiệt, thì chắc chắn các quốc gia khác sẽ dần mất thiện cảm và tránh xa các khoản vay hào phóng của họ. Hơn nữa Trung Quốc cũng sẽ chịu thiệt đủ đường nếu không thể hồi vốn.
Tại Sri Lanka, người dân địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chính phủ vay tiền Trung Quốc. Trong khi đó, chính giới Bắc Kinh lại đang hy vọng Venezuela sẽ không tuyên bố vỡ nợ.
Tóm lại, nếu Bắc Kinh không thay đổi chiến thuật cho vay của mình, thì sẽ có ngày không còn ai hứng thú với những lời đề nghị của họ nữa. Thực tế là hiện nay nhiều quốc gia cũng đã bắt đầu cẩn trọng hơn khi đứng trước những lời đề nghị của Trung Quốc.
Theo www.soha.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính