Mỗi ngày, ngôi chợ vốn nổi tiếng vì “cổ nhất, lớn nhất, rẻ nhất” này thu hút hàng nghìn lượt thương nhân trong Nam, ngoài Bắc tới mua hàng để mang về bán lẻ. Cũng chính vì vậy mà giá nhà đất tại Ninh Hiệp khá đắt đỏ. Trung bình, một gian hàng rộng hơn chục mét vuông có giá bán bán cả vài chục tỷ đồng, thậm chí, các ki ốt tại khu trung tâm chợ còn đắt hơn. Riêng đất sổ đỏ mặt đường vị trí trung tâm, thì không định giá nổi, vì không có ai bán. Không ai cần tiền để bán. Và nếu có bán thì giá có thể đến vài tỷ đồng/m2, đắt hơn cả đất phố cổ Hà Nội.
Bà Lan, chủ một quán giải khát trong khu vực chợ vải Ninh Hiệp (trước đây từng có thâm niên 40 năm bán quần áo tại chợ) cho hay, dãy ki ốt nơi bà đang ngồi bán hàng dù không phải là trung tâm nhưng đã có giá hơn 70 tỷ đồng/ki ốt hơn 50 m2.
“Vừa rồi có người trả giá 60 tỷ nhưng chủ nhà không bán, phải 70 tỷ trở lên may ra mới bán. Một ki ốt này có thể đổi 3 căn biệt thự ý chứ!”, bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, hầu hết những tiểu thương tại chợ đều là người dân Ninh Hiệp và họ rất giàu.
“Người dân ở đây có tiền nhưng cũng chỉ đầu tư đất đai, nhà cửa tại Ninh Hiệp hoặc các thành phố du lịch như: Đà Nẵng, Nha Trang… bởi đất ở những nơi này mới có lãi. Em họ tôi vừa mua mảnh đất 100m2 giá 7,8 tỷ đồng trong ngõ nhỏ, chỉ qua 2 năm sau người ta đã trả giá 16 tỷ đồng. Cứ mua đất ở đây là lãi, dù trong ngõ nhỏ… Chỉ cần “sang tay” là đã có lãi rồi. Dân ở đây đất ao còn tranh nhau chứ nói gì đến đất nhà!”, bà Lan cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, chị Tâm – chủ một ki ốt quần áo tại chợ Ninh Hiệp - cho biết, chị thuê ki ốt có diện tích 15m2 này với giá 500 triệu/năm, tính ra khoảng xấp xỉ 42 triệu đồng/tháng.
“Đây chưa phải là khu đẹp nhất tại chợ nhưng tôi chỉ chịu được giá như vậy thôi nên đành thuê chỗ này! Chủ nhà tôi họ có một căn nhà, chia thành 3 ki ốt đều nhau (mỗi ki ốt 15m2) để cho thuê. Tiền thuế họ chịu trách nhiệm. Như vậy, mỗi tháng họ “đút túi” hơn trăm triệu đồng. Người dân ở đây chủ yếu sống và tích lũy từ tiền cho thuê nhà. Chưa kể, người thân, con cái họ cũng đều tham gia kinh doanh vải vóc, quần áo… nên rất giàu có”.
Tương tự, chị Thu – chủ một sạp quần áo nhỏ khác- cho biết, sạp hàng chị đang thuê là vỉa hè của nhà chủ, nếu trời mưa thì sẽ phải căng bạt rất vất vả. Dù vậy, để có chỗ bán hàng này chị mỗi tháng chị phải chi trả gần 17 triệu đồng.
“Khoảnh đất 3- 4m2 này thôi nhưng tôi thuê với giá 200 triệu đồng/năm. Chủ nhà họ chia mặt tiền (vỉa hè) ra làm 3 sạp và cho thuê mỗi sạp với giá chung như tôi đang thuê. Còn gia đình họ vẫn ở trong nhà bình thường. Biết là giá thuê đắt đỏ nhưng tôi cũng vẫn phải thuê để kinh doanh, kiếm đồng ra đồng vào. Dân ở đây ai cũng kinh doanh quần áo cả, nếu không thì cũng chẳng biết làm gì!”, chị Thu tâm sự.
Nhìn quanh làng Ninh Hiệp, có thể thấy nhà nào cũng xây kiên cố, bề thế. Nhiều nhà to, đẹp như biệt thự.
“Chỉ cần sở hữu ngôi nhà ở đây, rộng độ 30m2 - 40m2, xây cao lên vài tầng thì quanh năm chẳng phải làm gì mà mỗi tháng vẫn kiếm cả trăm triệu. Tầng 1 xẻ làm 2 ki ốt, cho thuê mỗi cái giá 50-70 triệu/tháng làm cửa hàng bán buôn. Tầng trên cho thuê rẻ hơn nhưng cũng chục triệu. Đắt gấp vài lần nhà phố cổ. Tha hồ mà rủng rỉnh tiền bạc!”, chị Thu chia sẻ thêm.
(Theo Báo Tổ quốc)
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính