Nền kinh tế Trung Quốc đã để lộ ra những thương tổn mới trong cuộc chiến thương mại với Mỹ với sự suy giảm sản xuất mạnh hơn và đồng Nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất 10 năm qua so với đồng USD.
Đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, nền kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc mạnh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. (Nguồn: MarketWatch)
Theo tờ The Guardian, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc hầu như không hề mở rộng trong tháng 10 vừa qua khi cả nhu cầu trong và ngoài nước đều giảm, theo một số liệu được công bố hôm nay (31/10).
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã giảm xuống còn 50,2 trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016 và giảm từ mức 50,8 trong tháng 9. Những đơn đặt hàng xuất khẩu mới, một trong những điểm dự báo hoạt động của nền kinh tế trong tương lai, đã giảm sút trong 5 tháng liên tiếp và đang giảm nhanh nhất trong ít nhất 1 năm qua.
Những con số này đã cho thấy sự trượt dốc mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có thể khiến Bắc Kinh đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ mới dựa trên một loạt các sáng kiến gần đây.
Cụ thể, Trung Quốc đã “bơm” hàng chục tỷ USD vào hệ thống tài chính và các biện pháp khác để chống đỡ cho các doanh nghiệp địa phương.
Ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng của Trung Quốc tại ANZ cho biết, ông dự kiến Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp hơn, bao gồm cắt giảm số lượng vốn dự trữ của ngân hàng để giảm thanh khoản.
“Tất cả những chỉ số hiện nay của Trung Quốc đều đang chứng minh sự suy giảm rộng rãi trong hoạt động kinh tế. Thực trạng của khu vực kinh tế tư nhân sẽ tồi tệ hơn nhiều hơn so với dữ liệu được công bố trên giấy tờ”, ông Yeung nhận định.
“Ưu tiên của chính phủ là tránh sự bùng nổ tài chính”, chuyên gia kinh tế này nói thêm.
Đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh và nhanh nhất trong vòng ít nhất 1 năm qua. (Nguồn: Aleksandar Plavevski/EPA)
Trong một dấu hiệu căng thẳng hơn nữa của nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã áp đồng Nhân dân tệ ở mức 6,9646 Nhân dân tệ/USD, thấp hơn so với mức 6,9574 một ngày trước đó. Hơn nữa, PBOC còn cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giảm 2% trong phiên điều chỉnh và nó đã giảm nhẹ trong phiên giao dịch hôm nay.
Động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng với chính quyền ông Trump, nhất là khi Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi đồng Nhân dân tệ giảm giá và làm cho xuất khẩu cạnh tranh hơn.
Theo đó, con số đang tiến gần đến mức 7 Nhân dân tệ 1 USD, một mức được coi là không thể tưởng tượng cách đây 3 năm khi Bắc Kinh thành công trong việc củng cố vị trí đồng Nhân dân tệ như một trong những đồng tiền dự trữ của thế giới.
Đồng Nhân dân tệ giảm sẽ khiến cho hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn và có thể bù đắp tác động của việc Hoa Kỳ áp thuế cao, nhưng nó cũng sẽ khiến nguồn vốn đầu tư “bốc hơi” nhanh hơn và gây áp lực giảm giá tài sản ở Trung Quốc ví dụ như bất động sản.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin, Trung Quốc có thể sẵn sàng khiến đồng nội tệ của nước này giảm sâu hơn. Tờ China Daily cho biết rằng, việc thả nổi tỷ giá có thể là một lựa chọn khôn ngoan của Trung Quốc trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại và rủi ro kinh tế.
Công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho biết trong tuần này rằng: “Không mong đợi PBOC giữ được mức 7 Nhân dân tệ/USD trong một thời gian dài”.
Tháng 10 là tháng đầu tiên sau khi những đòn áp thuế mới nhất của Hoa Kỳ có hiệu lực. Washington và Bắc Kinh đã áp thêm thuế quan đối với hàng hóa của nhau vào ngày 24/9, và ông Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế tất cả các mặt hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc trong quý 3 vừa qua đã có mức tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi sản lượng sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng đều trượt dốc. Các nhà phân tích tin rằng, điều kiện kinh doanh sẽ ngày càng tồi tệ hơn nữa trước khi được cải thiện.
Theo Hồng Vân (Theo The Guardian) - www.dantri.com.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính.