Cuối cùng, trong phiên họp gần cuối năm ngày 16/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, từ mức 0-0,25% lên 2,25-0,5%, chính thức chấm dứt thời kỳ tiền tệ giá rẻ kéo dài 7 năm qua.
Quyết định này đã giải tỏa tình trạng nín thở chờ đợi và phỏng đoán của hầu hết các thị trường kéo dài trong cả chục tháng qua, mở ra một thời kỳ rõ ràng hơn.
Trong cả một năm trước đó, các thị trường tài chính, ngoại hối, chứng khoán, hàng hóa… nhiều nước biến động khôn lường, liên tục chấn động trước, trong và sau mỗi phiên họp của Fed. USD liên tục tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới.
USD tăng ngay cả khi giới đầu tư đón nhận một lời phát biểu tại một buổi nói chuyện bên lề của người đứng đầu Fed hoặc một vài chuyên gia có uy tín trong hệ thống NH liên bang Mỹ.
USD Mỹ bước vào chu kỳ tăng giá từ giữa 2014.
Xu hướng tăng giá của đồng USD bắt đầu từ giữa năm 2014. Thị trường đã có sự nhạy cảm nhất định khi nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu hồi phục rõ ràng. GDP quý II/2014 của Mỹ đã bất ngờ tăng vọt 4,2%, một bước nhảy vọt so với mức tăng trưởng âm 2,1% của quý trước đó.
Tuy nhiên, xu hướng rõ ràng nhất bắt đầu từ cuối 2014, khi mà chủ tịch Fed Janet Yellen không còn dùng tới cụm từ “cam kết giữ lãi suất ở mức gần 0% trong một thời gian đáng kể”, mà thay bằng “kiên nhẫn chờ thời gian thích hợp”.
Cùng với việc Fed chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ và trái với nỗ lực “bơm tiền” cứu kinh tế và khủng hoảng tại các nước, trong năm 2014, nhiều đồng tiền đã giảm hàng chục phần trăm so với USD như: Lira Thổ Nhĩ Kỹ, rand Nam Phi, real Brazil, hryvnia Ukraine, rúp Nga…
Tới giữa tháng 3/2015, từ “kiên nhẫn” đã không còn, thị trường tài chính thế giới ngay lập tức chao đảo. Khi đó, chỉ số US Dollar Index (DXY) lần đầu tiên trong 5 năm vọt lên chạm ngưỡng 100 điểm, thay vì mức 80 điểm trước đó chưa tới một năm. Hàng loạt các đồng tiền đồng loạt giảm giá mạnh. Cùng với cú sốc phá giá đồng NDT Trung Quốc, hàng loạt các đồng tiền như rupiah của Indonesia, ringgit của Malaysia… mất cả chục phần trăm xuống mức thấp nhất trong 1-2 thập kỷ.
Trong 3 kỳ họp hồi tháng 9, tháng 10 và tháng 11/2015 của Fed, thế giới càng rối khi bà Yellen không đưa ra một thông tin nào rõ ràng thực sự về một kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự chần chừ của Fed có lẽ có nguồn gốc từ cú phá giá đồng NDT hồi giữa tháng 8. Các thị trường liên tục chao đảo, liên tục đảo chiều lên xuống sau những những sự ngóng chờ rồi những quyết định hoãn nâng lãi suất.
Dầu tăng giảm, vàng lên xuống, euro, NDT liên tục nhảy múa.
Mỹ tăng lãi suất, thác thức thế giới
Quyết định tăng lãi suất của Fed hôm 16/12 đã chính thức xác định một thời kỳ rõ ràng hơn trên thị trường tài chính thế giới. Dự kiến trong 2016 Fed sẽ tăng từ 2 đến 4 lần với mức tăng tương tự. Có nghĩa là, Fed sẽ tăng thêm 0,5% cho tới 1% vào năm sau. Lãi suất có thể đạt 1,375% vào cuối năm sau.
Chính sách tiền tệ của Mỹ giờ đây rõ ràng hơn. Đón nhận một thời kỳ mới, các thị trường đã không phản ứng mạnh, thậm chí còn tích cực. Chứng khoán Mỹ đều tăng khoảng 1% kết thúc phiên 16/12, trong khi trên thị trường châu Á, các TTCK lớn trong khu vực, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều lên điểm ngay.
Sau khi tăng lên trên 6,5 NDT, sáng 17/12 đồng NDT của Trung Quốc đã xuống còn 6,45 NDT/USD. VND của Việt Nam trên thị trường tự do lên 22.750 đồng/USD vào đầu buổi sáng cũng đã xuống 22.720 đồng lúc gần trưa…
Tâm lý trên hầu khắp các thị trường là lạc quan, nhẹ nhõm, bớt đi một nhân tố bất định. Tuy nhiên, sau quyết định của Fed, xu hướng dài hạn của USD vẫn không đổi là: tăng giá. Trong khi đó, các đồng tiền khác, vàng, dầu… khó thoát khỏi xu hướng giảm.
Xu hướng rõ ràng hơn nhưng theo nhiều chuyên gia, thị trường tài chính thế giới vẫn còn nhiều bất an. Ngay chính trong một con đường khá sáng rõ của Fed vẫn còn những sự bất định. Câu hỏi hiện nay được đặt ra là: tốc độ tăng lãi suất của Fed sẽ như nào, mức độ “từ từ” ra sao, điểm cuối của chu kỳ tăng lãi suất là khi nào, kéo dài bao lâu…
Một vài tháng nữa khi quyết định của Fed bắt đầu phát huy tác động, hàng loạt các thị trường thấy rõ ảnh hưởng. Thị trường lãi suất thương mại, tái cấp vốn, rồi cả cả các thị trường lãi suất liên NH trên thế giới như LIBOR cũng bị chịu tác động. Tất cả sẽ thay đổi. Nhiều lĩnh vực như sản xuất và năng lượng… cũng sẽ bị ảnh hưởng do USD tăng giá.
Một nỗi lo với các nền kinh tế mới nổi là dòng vốn sẽ chảy ngược trở về Mỹ khi USD mạnh lên. Lãi suất USD tăng có thể sẽ khiến các nền kinh tế này khan vốn phục vụ cho thúc đẩy tăng trưởng. Khối nợ khổng lồ lên tới hàng ngàn tỷ USD sẽ là gánh nặng hơn đối với nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, thế giới cũng còn phải lo lắng với ông lớn Trung Quốc. Nước này vẫn đang rập rình thả đồng NDT theo hướng giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu, vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc ở mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Mỹ đã không trì hoãn tăng lãi suất, Fed đã không chờ Trung Quốc ổn định. Thế giới thở phào vì nền kinh tế đầu tàu của thế giới hồi phục vững chắc. Tuy nhiên, một nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn khó lường.
Theo V.Minh - vef.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính