Theo báo cáo của Chính phủ, tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020 khoảng 241.375 tỷ đồng (tương đương với 65,8% kế hoạch cả năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 180.950 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài 60.425 tỷ đồng.
Căn cứ tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, Chính phủ dự kiến đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 24,1%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP...
Như vậy, đến cuối năm 2020 về cơ bản dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép.
Những con số liên quan đến nợ công các năm qua. Nguồn: báo cáo của Chính phủ |
Đáng chú ý, giai đoạn vừa qua, việc cơ cấu nợ đã có chuyển biến tích cực. Dư nợ công giảm từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 55% GDP cuối 2019. Tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019... Đồng thời, lãi suất giảm dần, kỳ hạn trả nợ tăng dần, cơ sở nhà đầu tư được mở rộng, góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ.
“Trong những năm qua, việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới cam kết với các nhà đầu tư”, báo cáo nêu rõ.
Năm 2021, Chính phủ đề ra nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng hơn 579 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương khoảng trên 318 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương khoảng trên 260 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 323.093 tỷ đồng và nước ngoài khoảng 45.183 tỷ đồng; bằng khoảng 27,4% so với thu ngân sách nhà nước.
Áp lực trả nợ vay ngày càng lớn. |
Lo áp lực trả nợ
Như vậy, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước vượt ngưỡng Quốc hội cho phép đối với giai đoạn 2016-2020 là 25% chủ yếu do các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 (187.001 tỷ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách nhà nước).
Chính phủ cũng lưu ý: Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh và có khả năng vượt ngưỡng 25% trong một số năm trong giai đoạn tới do lịch trả nợ gốc không đồng đều, tập trung cao vào một số năm.
Vấn đề này một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, mặt khác tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
"Áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để trả nợ đến hạn (chủ yếu là nợ trái phiếu Chính phủ) là không nhỏ trong trường hợp không kiềm chế hiệu quả yêu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách trung ương, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động (như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn... ), đặc biệt trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn", Chính phủ lưu ý.
Chính phủ cũng nhìn nhận việc quản lý, giám sát chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia có khó khăn, bất cập cả về công cụ quản lý cũng như phương thức quản lý.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong bối cảnh nước ta đã được quốc tế xếp vào nhóm các quốc gia có khả năng tiếp cận thị trường vốn, các chỉ tiêu trần và hạn mức nợ nước ngoài của quốc gia áp dụng trong giai đoạn trước đây và hiện nay “đang mất dần ý nghĩa”.
Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, tham vấn với một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới cũng như các cơ quan trong nước về khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia. Các tổ chức và cơ quan này đều khuyến nghị Việt Nam xem xét, điều chỉnh chính sách và công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp hơn với đặc điểm rủi ro của mỗi cấu phần nợ.
Theo kinh nghiệm quốc tế, không có nước nào áp dụng hạn mức trần chung cho chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia (của khu vực công lẫn khu vực tư), cũng như không quốc gia nào đề ra mức trần chung đối với các khoản vay nước ngoài của khu vực tư nhân. Thay vào đó, các nước thường áp dụng công cụ quản lý đối với từng loại doanh nghiệp, tổ chức cụ thể.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, phê duyệt định hướng chính sách chung về nợ.
Theo đó, về quản lý nợ nước ngoài quốc gia, tách bạch quản lý nợ nước ngoài khu vực công và khu vực tư nhân, theo đó chỉ đề ra mức trần nợ công nước ngoài trên tổng dư nợ công; thiết lập chỉ tiêu cảnh báo (thay vì mức trần cứng) đối với chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của khu vực công và của khu vực tư nhân để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Về các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả: cân nhắc bỏ hạn mức trần đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; nghiên cứu, đề xuất áp dụng bộ công cụ chính sách an toàn vĩ mô và kiểm soát luân chuyển vốn phù hợp với rủi ro của từng đối tượng vay để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
"Về thống kê, phân loại nợ nước ngoài, nghiên cứu và xem xét điều chỉnh phương pháp thống kê nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư nhân theo nguyên tắc nơi cư trú của chủ nợ để phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế; đồng thời theo dõi chỉ tiêu nợ nước ngoài theo tiêu chí ngoại tệ để quản lý rủi ro tỷ giá", Chính phủ đưa ra định hướng.
Theo Lương Bằng - báo vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC (Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính).