Những thương vụ bán cảng biển, hãng phim, đất đai... thuộc sở hữu nhà nước sang cho tư nhân bỗng gây ồn ào. Các mánh khóe “bán mà như cho không”, trục lợi từ tài sản công dần được lột trần.
Bán như cho không rồi lại phải thu về
Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976 do Cục Đường biển (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) quản lý. Trước khi cổ phần hóa, cảng chịu sự điều hành của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Đây là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ với hệ thống 20.960m2 kho, 48.000m2 bãi chứa container. Cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824m cùng 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Với khối tài sản lớn như vậy nhưng trước khi cổ phần hóa, cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỷ đồng.
Việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều sai phạm. |
Trong 2 năm (2013-2015), Công ty CP Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành đã ôm trọn 86,23% cổ phần của cảng Quy Nhơn chỉ với giá 440 tỷ đồng. Hợp Thành trở thành “ông chủ” mới của cảng Quy Nhơn.
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ UBND tỉnh Bình Định, Bộ GTVT vi phạm, có khuyết điểm trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước. Bởi, chính Bộ này đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước vào tháng 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt lên: "Cảng Quy Nhơn lớn như vậy, bán một cảng lớn mà như cho không”.
Tương tự, câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam từng gây xôn xao dư luận khi được định giá ở mức 0 đồng. Sau những ồn ào, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận việc xác định giá trị thương hiệu Hãng cũng như chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có sai sót. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược là là Tổng Công ty Vận tải Thủy (Vivaso) chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Sau khi chỉ ra hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thủ tục cho Vivaso xin rút vốn trước thời hạn cũng như làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo quy định. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thành lập hội đồng xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam do trước đó bị định giá bằng 0 đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.
Ngoài ra, với chiêu bài “hợp tác kinh doanh”, chuyển mục đích sử dụng đất, hàng loạt khu đất vàng màu mỡ có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cũng được sang tay cho tư nhân với giá bèo bọt.
Sân Chi Lăng nằm ở khu đất trung tâm quận Hải Châu, Đà Nẵng |
Cổ phần hóa, có kẻ xấu luôn rình rập để “ăn cắp”
Cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ là một chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, trong quá trình ấy, luôn luôn có những nhóm lợi ích trực chờ để “bòn rút” tài sản Nhà nước như những dẫn chứng kể trên.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, khẳng định cổ phần hóa là xu thế đúng. Nhưng phải xác đinh mục tiêu cổ phần hóa là làm cho lĩnh vực ấy, hoặc DN ấy tốt lên, mạnh lên so với trước; còn nếu chỉ để bán được vốn thì không phải là mục tiêu của cổ phần hóa.
Cho rằng cần nhấn mạnh “tính hiệu quả của cổ phần hóa”, thay vì tiến độ cổ phần hóa, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: Muốn cổ phần hóa hiệu quả nhất, việc đầu tiên là đánh giá được thực chất DN đó. Nếu chỉ đánh giá đơn thuần về giá trị tài sản, vốn liếng, lĩnh vực kinh doanh thì vẫn chưa đủ, mà còn nhiều yếu tố khác.
“Cổ phần hóa là xu hướng đúng, nhưng làm thế nào để cuối cùng đều đem lại hiệu quả là rất quan trọng. Sau cổ phần hóa, tiền bán vốn được dùng hiệu quả, DN sau cổ phần hóa được tốt lên. Tôi không nghĩ Nhà nước bán vốn thì bán cho tư nhân cả những sản phẩm không hiệu quả. Vì suy cho cùng, tiền nhà nước hay tư nhân cũng là trong quốc gia mình cả. Mục tiêu là phải làm thế nào để tất cả các bên đều có lợi”, ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
Trước những lùm xùm cổ phần hóa, một chuyên gia pháp luật bình luận rằng: Nhà nước vẫn phải đẩy nhanh và chắc việc cổ phần hóa. Đừng vì mấy trường hợp thất thoát mà mượn cớ đó để chùn tay, làm chậm lại.
“Quá trình này cần xác định cho rõ ràng là sẽ có rất nhiều kẻ chờ cơ hội, tạo cơ hội để ăn cắp. Bản lĩnh là phải hạn chế được ít nhất tài sản công thất thoát để nhanh chóng nhất trao cho người kinh doanh có hiệu quả hơn”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo Lương Bằng - www.vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính