Cũng tại buổi tọa đàm, TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2018, kinh tế Việt Nam có sự cân đối giữa ổn định và tăng trưởng tốt hơn, trong đó sự ổn định rõ hơn. Theo đó, mặc dù chưa thực sự quyết liệt, nhưng cơ cấu nền kinh tế bắt đầu cho sự chuyển dịch tích cực. Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp đi lên thực sự. Dịch vụ, du lịch cũng được đẩy mạnh. Công nghiệp, khai khoáng chưa thực sự như mong muốn, nhưng rõ ràng đã có sự dịch chuyển.
TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, một trong những điểm tích cực trong năm 2018 là sự thay đổi thể chế, có những cải cách rất mạnh. “Có 2 điểm, Chính phủ nỗ lực tháo bỏ trói buộc cho doanh nghiệp, chi phí cho doanh nghiệp đỡ đi, rõ ràng đó là nỗ lực của Nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân, sau 30 năm khu vực tư nhân lại có khuynh hướng được trỗi dậy, dịch chuyển trở lại”, TS. Trần Đình Thiên nói.
TS. Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh: “Năm 2018 có điểm đặc biệt là hội nhập. Từ thực tiễn mở cửa cho thấy, Việt Nam đỡ lệ thuộc nhiều, trong bối cảnh thế giới nhiều “chao đảo”, Việt Nam vẫn tăng trưởng và ổn định, rõ ràng là điểm sáng”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường ĐH Fubright Việt Nam cũng cho rằng, nhìn lại năm 2018, Việt Nam có 3 động lực để phát triển kinh tế. Thứ nhất, cải thiện vốn đầu tư; thứ 2, cải thiện năng suất lao động, chuyển biến từ năng suất lao động truyền thống sang công nghiệp tiêu dùng; thứ 3, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, điểm nhấn quan trọng nhất là Chính phủ đã lựa chọn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường kinh doanh thay vì cố gắng tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể.
Dự báo năm 2019, tăng trưởng GDP tương đương 2018
Tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến chuyên gia đều thống nhất với nhận định, năm 2019 dự đoán sẽ có nhiều “cú hích” cho nền kinh tế khi nhiều ngành, lĩnh vực đang có sự tăng trưởng vượt bậc như nông nghiệp hay sự ổn định của thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Đặc biệt, nhiều hiệp định thương mại cũng được cho sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)…, trong đó có hoạt động xuất khẩu với kỳ vọng nhiều khởi sắc.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn tin tưởng, nếu Chính phủ tiếp tục cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển như năm 2018 vừa qua, thì 3 động lực trong năm 2018 sẽ tạo những hiệu quả kinh tế mới trong năm 2019.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng dự báo, GDP năm 2019 sẽ tương đương với kết quả đạt được trong năm 2018; tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi kinh tế sẽ tăng trưởng khó khăn hơn.
TS. Vũ Đình Ánh nhận định, trong những năm tới, nếu Chính phủ nhất quán, kiên định về chủ trương thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ tương đối cao, trên 7%.
Ở một góc nhìn xa hơn, TS. Lưu Bích Hồ bày tỏ lo lắng, sang năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Một vài năm tới, nếu không tái cơ cấu một cách quyết liệt và thực chất lĩnh vực tài chính - ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước, sẽ khó thoát khỏi “vùng trũng” tăng trưởng, khó đạt được mức 7%./.