Không hành chính hoá, mệnh lệnh hoá với DNNN
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty diễn ra sáng 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại vai trò, định hướng của DNNN là theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không hành chính hoá, mệnh lệnh hoá với DNNN trừ những việc cần thiết Nhà nước phải chỉ đạo.
Theo Thủ tướng, vai trò của DNNN rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở những nước có nền kinh tế thị trường lâu đời, vai trò của DNNN cũng đã được khẳng định. Thời gian vừa qua, chúng ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để phục vụ việc cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả DNNN. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá cũng là quá trình dễ thất thoát tài sản, dễ dẫn đến tiêu cực mà chúng ta phải chấn chỉnh kịp thời để tránh tình trạng "đi đêm", thất thoát. Nêu ví dụ về vụ việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn gây thất thoát lớn, người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải xử lý, lập lại kỷ cương.
Vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (UBQLVNN) đi vào hoạt động là bước tiến mới, giảm "gánh lo" cho lãnh đạo Chính phủ trong quản lý vốn nhà nước, khi đã có cơ quan đại diện là Ủy ban. Yêu cầu đặt ra rất lớn ở đây là Ủy ban phải hoạt động, phát triển để không trở thành cơ quan trung gian gây ách tắc trong quản lý nhà nước. Cơ quan mới mẻ này phải quản lý làm sao để DN phát triển xứng tầm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đất nước. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh phương pháp, công nghệ quản lý rất quan trọng và người điều hành phải quyết tâm, có quan điểm rõ ràng để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN.
Điểm lại một số kết quả quan trọng trong quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, song Thủ tướng cũng nêu vấn đề có nhiều đơn vị sắp xếp lại phát triển tốt, nhưng cũng có nhiều đơn vị làm ăn yếu kém, dù cùng điều kiện, lĩnh vực. "Do con người cả thôi", Thủ tướng nhận xét.
Xử lý vi phạm không kìm hãm sự phát triển
Về một số tồn tại, hạn chế, bên cạnh những vấn đề báo cáo của Bộ Tài chính đã nêu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm việc hiệu quả kinh doanh của DNNN còn thấp, do quản trị chưa tốt. Nợ xấu, thua lỗ của một số tập đoàn còn lớn. Khâu giám sát, thanh tra nội bộ có vấn đề, để xảy ra thất thoát lớn tại nhiều đơn vị. Quản trị DN, tính công khai minh bạch, thanh tra kiểm tra có vấn đề. Cơ chế giám sát bất cập, quản trị yếu kém, không chịu học hỏi. Tình trạng sân trước, sân sau còn tồn tại, không những 1 mà nhiều sân sau. "Không phải 1, có người ở đây có tới 12 đến 15 DN sân sau, ở rất nhiều khâu, không phải Thủ tướng không biết", Thủ tướng thẳng thắn nói.
Nhìn nhận có khuyết điểm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng khi tiến độ cổ phần hoá năm nay chậm, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương, đặc biệt là TP.HCM: "Chúng ta không làm ào ào, nhưng cũng không thể không làm. Các quan điểm chỉ đạo phải được quán triệt rõ ràng, thà làm ít mà tốt, và thực sự dẫn dắt nền kinh tế".
Theo Thủ tướng, có những tập đoàn, tổng công ty nhiều năm không đầu tư, đổi mới công nghệ gì. "Tất nhiên, chúng ta không mặc áo quá đầu, nhưng nếu không đầu tư liệu có phát triển được không?", Thủ tướng nêu câu hỏi. Nêu thực trạng có tâm lý sợ mất vai trò, vị trí trong cổ phần hoá, thoái vốn, có tư tưởng thiên vị, kìm hãm sự đổi mới, Thủ tướng cũng nhắc lại những tấm gương tiêu biểu trong đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN như Vinamilk, hay Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương…
Về một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến DNNN thời gian qua, Thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân, vừa do cơ chế chính sách, vừa do lỗi buông lỏng quản lý thời gian dài. Điều này đòi hỏi cần chấn chỉnh, đổi mới mọi mặt hoạt động của DNNN, tăng cường giám sát, kiểm tra. Mặt khác, điều này cũng làm giảm tinh thần dám nghĩ dám làm trong DN, lo đối phó, sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, chống tham nhũng là việc phải làm, Thủ tướng khẳng định và yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải chặt chẽ, mỗi năm 1 lần, đúng quy định, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, không gây hoang mang. Xử lý vi phạm nhưng không kìm hãm sự phát triển, củng cố niềm tin cho DN, nhà đầu tư và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Quyết tâm đổi mới công tác cán bộ, tìm người tài không tìm người nhà
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nêu ra các giải pháp cần tập trung để đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN thời gian tới. Trong đó, một số giải pháp được nhấn mạnh là nghiêm túc quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, giải pháp, theo nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội. Cơ cấu lại cổ phần hoá, thoái vốn theo nguyên tắc công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn nhà nước. Xác định trách nhiệm cá nhân trong việc chậm trễ cổ phần hoá, sắp xếp lại DN; đưa ra chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm vi phạm, không để tái diễn.
"Có DN cổ phần hoá 7, 8 năm mà không quyết toán, không báo cáo rõ ràng", Thủ tướng nêu ví dụ. Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương, DN phải tập trung chỉ đạo, thực hiện, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm đổi mới công tác cán bộ, không để tình trạng "sân trước, sân sau" trong DNNN. Trong đó, đặc biệt là vai trò của UBQLVNN, phải có các kế hoạch, giải pháp, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty. Đây là những DN nắm một lượng vốn khổng lồ, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. "Nếu 19 tập đoàn làm ăn kém hơn thì đó là khuyết điểm rất lớn trong điều hành quản lý của chúng ta", Thủ tướng nói.
Cũng về công tác cán bộ, Thủ tướng yêu cầu bố trí cán bộ, người đại diện vốn nhà nước đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, "tìm người tài không tìm người nhà". Lưu ý một khuyết điểm của DNNN là tính công khai, minh bạch còn rất hạn chế, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường minh bạch trong công tác cán bộ, đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, ký kết hợp đồng… Về mặt nhà nước, các bộ có giải pháp xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài, chậm tiến độ, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan./.
Theo Hoàng Yến - www.thoibaotaichinhvietnam.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính.