Định nghĩa về ô tô con, trong Quy chuẩn 41/2019 mới quy định: "Xe ô tô con là xe ô tô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái)".
Xe tải dưới 1,5 tấn được trả về với đúng nghĩa là xe tải từ hôm nay, 1/7 |
Còn ô tô tải (hay còn gọi là xe tải) là ôtô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa bao gồm cả ôtô đầu kéo, ôtô kéo rơmoóc và các loại như xe pick-up, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên.
Như vậy, quy định này đã loại xe tải dưới 1,5 tấn ra khỏi danh sách xe con trong tổ chức giao thông. Bởi theo Quy chuẩn đang áp dụng, xe con còn bao gồm ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở dưới 1,5 tấn.
Xe bán tải trên 950kg bị coi như là xe tải
Tương tự như đối với xe tải dưới 1,5 tấn, khi Quy chuẩn mới có hiệu lực từ hôm nay (1/7), chỉ những xe bán tải (xe pickup), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg hoặc xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg mới được xem là xe con trong tổ chức giao thông.
Như vậy, một số xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép (được ghi trong giấy đăng kiểm) trên 950kg sẽ được coi như xe tải khi tham gia giao thông.
Điều này có nghĩa là những xe này buộc phải “stop” khi gặp những biển cấm xe tải hoặc một số tuyến đường nội đô cấm xe tải. Đồng thời, khi di chuyển trên đường có phân rõ làn đường dành riêng cho các loại xe, những xe bán tải nói trên buộc phải đi vào làn đường cho xe tải.
Ô tô phải đỗ 1/2 thân xe lên vỉa hè tại một số khu vực
Cụ thể, Quy chuẩn 41 mới có thêm biển báo số I.408a "Nơi đỗ xe một phần trên hè phố để chỉ dẫn những nơi được phép đỗ xe một phần trên hè phố rộng. Xe phải đỗ từ 1/2 thân xe bên phía ghế phụ trên hè phố”.
Biển số I.408a mới được bổ sung trong Quy chuẩn 41 mới |
Quy chuẩn cũng nêu rõ: “Khoảng cách, chiều dài nơi đỗ xe có thể được xác định giới hạn bằng vạch kẻ trên đường. Trong trường hợp cần thiết, có thể đặt thêm biển phụ chỉ hiệu lực của vùng cho phép đỗ”. Biển này có thể đặt vuông góc theo chiều hướng đi hoặc đặt song song và có hiệu lực từ vị trí đặt biển.
Ô tô có thể đỗ xe kiểu “gác chân” lên vỉa hè tại một số khu vực. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Như vậy, khi gặp những biển này, lái xe buộc phải đỗ ít nhất 1/2 thân xe theo kiểu “gác chân” lên vỉa hè.
Không nhất thiết phải đặt biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn
Một điểm đáng chú ý khác, tại Quy chuẩn 41/2019 bỏ quy định: “Trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ hai làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn, có thể lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy.”
Một số tuyến đường có hai làn đường trở lên không nhất thiết các biển báo phải đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn. (Ảnh: Lao động) |
Quy chuẩn mới quy định biển báo hiệu đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt); đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.
Điều này có nghĩa là trên một số tuyến đường có hai làn đường trở lên không nhất thiết các biển báo phải đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn mới là đúng quy định. Do đó, lái xe cần phải quan sát kỹ hơn các loại biển báo khi tham gia giao thông.
Không bắt buộc phải đặt biển chỉ dẫn lối đi phải theo trước biển cấm
Nếu như Quy chuẩn trước đây quy định: “Trước khi đặt biển cấm rẽ, cần đặt biển chỉ dẫn hướng đi thích hợp (bắt buộc)”. Từ 1/7, Quy chuẩn 41/2019 không bắt buộc điều này mà chỉ quy định “có thể đặt biển chỉ dẫn hướng đi thích hợp”.
Ví dụ như tại đoạn đường giao cắt với đường một chiều, không nhất thiết phải đặt biển “Lối đi phải theo” mà chỉ cần đặt biển “Cấm rẽ trái” là đủ.
Bổ sung vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch kép
Quy chuẩn 41/2019 cũng bổ sung vạch phân chia các làn xe cùng chiều (vạch số 2.4), dạng vạch kép (một vạch liền, một vạch đứt nét). Loại vạch này trước đây không quy định.
Ảnh 5: Vạch 2.4 mới được bổ sung trong Quy chuẩn 41/2019 |
Vạch 2.4 dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch. Đây cũng là điểm mới mà các lái xe cần phải chú ý nếu không muốn bị phạt.
Theo Nguyễn Hoàng - báo vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC (Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính).