Ông Nguyễn Doãn Toản cho rằng việc dừng thanh toán dự án BT khiến thành phố gặp khó khăn. Nguyên nhân là nếu dừng thanh toán ngày nào thì chủ đầu tư sẽ tính lãi dự án ngày đó. Nếu thanh toán ngang giá ngay thì sẽ giảm được lãi suất phát sinh tại các dự án.
Cho nên, đại diện UBND thành phố Hà Nội đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn nội dung này.
Ảnh minh họa
Cùng chung lo ngại, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho rằng: Trong số các hình thức kêu gọi tư nhân đầu tư thì hình thức BT vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bài toán khó nhất với địa phương trong các dự án BT chính là làm thế nào để thực hiện thanh toán đất cho nhà đầu tư, cụ thể như hoạt động chuyển nhượng đất, đấu giá đất. Vấn đề này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó địa phương không áp dụng được, làm ảnh hưởng đến các dự án thực hiện theo phương thức này.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn việc thanh toán trong các dự án BT.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các tỉnh thành rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn.
Để xử lý các vấn đề liên quan trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã có đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi nghị định về vấn đề này có hiệu lực thi hành.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức này và đến nay nghị định chưa được ban hành.
Theo H.Duy - www.vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính.