Tại Diễn đàn đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng ADB tổ chức ngày 8/8, ông Hà Tiến Lực, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội, cho biết: “Làm đấu thầu qua mạng sẽ giảm được nhiều loại chi phí cho doanh nghiệp. Đấu thầu qua mạng là môi trường bình đẳng cho các nhà thầu cạnh tranh công bằng. Có thể mới làm các doanh nghiệp sẽ e ngại nhưng khi bắt tay vào nhập cuộc thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích”.
Theo đó, doanh nghiệp đã giảm được các chi phí ít nhất 3-5% tùy mỗi theo từng quy mô mỗi gói thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng.
Bà Phạm Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết: “3 năm gần đây, EVN đưa ra tiêu chí chấm điểm cho người đứng đầu đơn vị trong việc tham gia thực hiện đấu thầu qua mạng. Ban đầu mới là chỉ tiêu khích lệ, nhưng từ 2017 đưa vào thành chỉ tiêu bắt buộc. Khi thực hiện rồi, lãnh đạo các đơn vị bắt đầu thấy giảm được nhiều chi phí, đầu tiên là giảm chi phí in ấn, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu ngày càng cao. Chúng tôi hy vọng thời gian tới hiệu quả còn tăng lên nữa”.
Triển khai đấu thầu qua mạng có nhiều lợi ích.
Trao đổi với PV.VietNamNet bên lề diễn đàn, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cho rằng: Cái được lớn hơn khi đấu thầu qua mạng là tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, đạt hiệu quả kinh tế. Đấu thầu qua mạng tính minh bạch rất cao vì tất cả qua đấu thầu điện tử. Khi đấu thầu giấy người ta biết có bao nhiêu nhà thầu dự, nhưng đấu thầu điện tử thì không thể biết được.
“Với đấu thầu qua mạng, tỷ lệ tiết kiệm chung đạt 9%, cao hơn khoảng 2% so với đấu thầu truyền thống”, ông Trương nói.
Theo quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến năm 2025, 100% thông tin đấu thầu phải đăng tải công khai trên hệ thống. Ngoài ra, 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải đấu thầu qua mạng và tối thiểu 70% gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của luật đấu thầu phải thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu khẳng định những mục tiêu trên chắc chắn sẽ đạt được nếu nghiêm túc thực hiện.
Tuy có nhiều lợi ích như vậy, nhưng vẫn có nhiều nơi chưa nghiêm túc thực hiện. Nhìn lại thực tế qua 3 năm triển khai đấu thầu qua mạng, hiện nay vẫn còn 41/119 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện công tác đấu thầu qua mạng.
Nói về chế tài với các đơn vị không áp dụng đấu thầu qua mạng, ông Nguyễn Đăng Trương cho hay: "Hiện về mặt chế tài cụ thể chưa có, nhưng chúng tôi sẽ không dùng một chế tài như xử phạt hay làm gì cả, mà chúng tôi công khai danh sách các bộ ngành địa phương không thực hiện đấu thầu qua mạng, và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cách thức ứng xử với các bộ ngành địa phương".
“Nghị định 63 có quy định mỗi bộ ngành địa phương đều phải cử một cấp phó phụ trách trực tiếp công tác đấu thầu. Nếu không đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra, không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thì lúc đó sẽ có những hình thức xử lý phù hợp”, ông Trương nhấn mạnh.
Ông Adu-Gyamfi Abunyewa, chuyên gia cấp cao về đấu thầu của WB, cho biết: Tất cả các quốc gia đều bắt đầu từ những bước đầu rất khó khăn. Đơn cử Mông Cổ và Malaysia đều xây dựng Hệ thống từ những bước sơ đẳng ban đầu sau đó điều chỉnh dần để thích ứng với từng hoàn cảnh và đã thành công. Hiện Cục Quản lý đấu thầu cũng đang làm như vậy.
Về tính khả thi trong thực tiễn của Hệ thống đấu thầu qua mạng, ông Adu Gyamfi Abunyewa cho rằng, khó có quốc gia nào có thể đưa vào từ đầu một hệ thống đấu thầu qua mạng hoàn hảo. Mỗi quốc gia có một đặc thù, quy định riêng về mua sắm, vì thế không thể có thể "bê nguyên" một hệ thống đấu thầu qua mạng hoàn hảo nào của một quốc gia nào đó để áp dụng cho mình. Vấn đề là cách thức để chúng ta vận dụng làm sao cho hiệu quả và phù hợp.
Theo Lương Bằng - www.vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính