5 năm, thu ngân sách tăng 572 nghìn tỷ đồng
Báo cáo bổ sung tình hình ngân sách 2018, dự toán 2019 của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, thu ngân sách năm 2018 đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Con số này tăng tới hơn 100 nghìn tỷ đồng (+8%) so dự toán Quốc hội giao.
Nhìn chuỗi thời gian 5 năm gần đây cho thấy, thu ngân sách liên tục tăng mạnh. Nếu như năm 2013, thu ngân sách mới chỉ đạt con số hơn 828 nghìn tỷ đồng thì 5 năm sau, kết quả thu ngân sách đã vượt xa con số triệu tỷ đồng như đã nói ở trên.
Như vậy, sau 5 năm, thu ngân sách đã tăng thêm 572 nghìn tỷ đồng.
|
Thu ngân sách tăng cao trong 5 năm gần đây. |
Nhìn số thu trên, đó là tích cực. Nhưng đi sâu phân tích thì thấy, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự đáp ứng mong đợi. Số thu tăng chủ yếu nhờ tăng thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu từ cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước.
Trong khi đó, số thu từ khu vực sản xuất lại chưa tương xứng. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới liên tục đạt kỷ lục, chẳng hạn năm 2018 tăng tới 131 nghìn doanh nghiệp, nhưng cũng có tới 107 nghìn doanh nghiệp (bằng 81,4% doanh nghiệp thành lập mới) chấm dứt kinh doanh, giải thể, tạm ngừng kinh doanh.
Cho nên, báo cáo của Chính phủ đánh giá “thực chất năng lực sản xuất mới tăng thêm của nền kinh tế không lớn”.
Đồng thời, các doanh nghiệp mới thành lập (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ) được hưởng những chính sách ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật, do đó đóng góp số thu cho ngân sách không nhiều. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất lớn (như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Sam sung Thái Nguyên, Công ty thép Formosa... ) tăng trưởng tốt nhưng đang trong giai đoạn được hưởng chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong số các doanh nghiệp hoạt động, số đơn vị có lãi chỉ chiếm khoảng 40% tổng số doanh nghiệp kê khai; số doanh nghiệp phát sinh thuế giá trị gia tăng dương chỉ chiếm khoảng 26% tổng số doanh nghiệp kê khai.
Khi kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cũng tỏ băn khoăn với con số thu ngân sách tăng mạnh.
Ví dụ như năm 2017, kết quả tăng thu chủ yếu cũng từ tiền sử dụng đất (61.713 tỷ đồng); lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (15.201 tỷ đồng).
Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Nếu loại trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết thì thu nội địa chỉ đạt hơn 885 nghìn tỷ đồng, thấp hơn dự toán được giao (885.881 tỷ đồng/902.580 tỷ đồng). Còn nếu chỉ loại trừ dầu thô, thì thu nội địa đạt hơn 1,03 triệu tỷ đồng, cao hơn dự toán được giao gần 49 nghìn tỷ đồng.
Thảo luận tại tổ về quyết toán ngân sách 2017, một số ý kiến cho rằng: Thu ngân sách nhà nước chưa phản ánh được nỗ lực của nền kinh tế, khu vực tư nhân còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy hết. Thu từ sản xuất kinh doanh thấp.
Cho nên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá chi tiết đối với từng nguồn thu là thu được theo thực tế hay do nộp trước khoản thu hay thu nợ thuế từ các năm chuyển sang. Năm 2017 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước, điều chỉnh tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư, chi thường xuyên nên giao số thu cao, các địa phương chủ yếu tăng thu về đất, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chi.
|
Nhiều khoản chi ngân sách chưa đạt hiệu quả mong muốn. |
Chi ngân sách ra sao?
Thu ngân sách tăng cao, chi ngân sách cũng tiếp tục tăng lên. Năm 2013 chi ngân sách là 1,08 triệu tỷ đồng, thì đến năm 2018 chi ngân sách đã tăng lên con số hơn 1,6 triệu tỷ đồng.
Có nghĩa chi ngân sách sau 5 năm đã tăng hơn 600 nghìn tỷ đồng so với năm 2013.
Đáng chú ý, mức chi ngân sách năm 2018 vẫn vượt hơn 93 nghìn tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội giao.
Chính phủ cho rằng: Cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 28,8% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).
Chính phủ cũng cho biết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chính phủ đã sớm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
Năm nào, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong việc chi tiêu ngân sách (xem thêm tại đây)
Còn khi thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vẫn phải nhận xét việc cơ cấu lại ngân sách và kỷ luật thu chi ngân sách đã "có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế”.
Cụ thể, nợ đọng thuế tăng so với năm 2017. Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư vẫn chưa được khắc phục, đến 31/1/2019 chỉ đạt khoảng 75% kế hoạch vốn Quốc hội giao, đặc biệt vốn ngoài nước chỉ đạt khoảng 50%, nhiều địa phương giải ngân đạt thấp.
Một số bộ, ngành, địa phương phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí; dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện,...
Một số dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội bố trí vốn nhưng triển khai chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư công.
Ngoài ra, có nhiều dự án giao thông quan trọng chậm đưa vào khai thác, sử dụng; có dự án chất lượng chưa bảo đảm, một số cây cầu bị thấm, dột (Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội). Kết quả thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương cho thấy nhiều đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chi sai chế độ .
“Tại một số bộ, ngành, địa phương, lập, duyệt đoàn đi nước ngoài chưa đúng quy định, có trường hợp lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều lần trong năm, một số đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng chủ yếu là để tham quan, du lịch, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ chuẩn bị về hưu, nghỉ công tác”, Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá.
Theo Lương Bằng - www.vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính