Báo cáo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, từ năm 2016 đến 6/2019, cả nước đã cổ phần hóa (CPH) được 162 DNNN, với tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định lại là 205.433,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện. Đến nay, vẫn có những tập đoàn, tổng công ty lớn, có cơ sở trải dài trên 63 tỉnh, thành bị ách tắc trong CPH. Đáng chú ý, ở một số bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong CPH... đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM.
Vướng đất đai
Bộ Tài chính cho hay, tính đến hết năm 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo quy định, các DN phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, tính đến 9/2019, mới có 148 DNNN được phê duyệt phương án cơ cấu lại; vẫn còn 378 DN chưa được phê duyệt, chiếm 71%. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận xét, tình hình thực hiện CPH đang diễn ra rất chậm.
Vướng mắc trong xác định giá trị DN phần lớn liên quan đến đất đai - một trong những nguyên nhân khiến tiến trình CPH kéo dài.
|
Vướng mắc về đất đai khiến Vinafood 1 khó hoàn thành CPH trong năm 2019 theo kế hoạch. |
Tuy nhiên, tháng 4/2019, Bộ Tài chính lại ban hành công văn số 4544/BTC-TCDN, quy định phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa DN, mở rộng thêm các công ty cấp 1, cấp 2 mà công ty mẹ có cổ phần chi phối. Vinafood 1 có 248 mảnh đất trải dài 25 địa phương, có những nơi người lao động đã ở và canh tác từ lâu, nên khó thực hiện thu hồi trả về cho địa phương.
Chưa kể, nhiều mảnh đất có tranh chấp từ cách đây 30-40 năm không giải quyết ngay được. Do đó, đại diện Vinafood 1 nhận định khó hoàn thành CPH trong năm 2019 theo kế hoạch.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) kể rằng, mỗi năm VNPT phát triển hàng ngàn trạm BTS, có nơi được địa phương giao đất, có nơi phải thuê.
Theo quy định, trước khi CPH, DN phải tiến hành sắp xếp lại tài sản đất đai, lên phương án sử dụng. Tuy nhiên, đất đai luôn biến động, nên khó sắp xếp được trong một thời điểm nhất định. Thủ tục kéo dài, nên bị quá thời hạn xác định giá trị DN. Vì vậy, thời gian CPH cứ kéo dài ra. Muốn thuê tư vấn không được, vì chưa xong phương án sử dụng đất.
Một số DN cho hay hồ sơ liên quan tới đất gửi tới địa phương, cả năm chưa được phản hồi. Lý do các địa phương đưa ra là chưa có hướng dẫn về xử lý, sắp xếp lại đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cùng với nhiều vụ việc được kết luận có sai phạm trong CPH gắn với đất đai gần đây, càng khiến quá trình phê duyệt phương án sắp xếp lại đất đai kéo dài và rơi vào tình cảnh "treo".
Ngoài ra, nút thắt trong cổ phẩn hóa DNNN còn nằm ở nhiều vấn đề khác, đặc biệt là tư duy của những người lãnh đạo. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vẫn có những người vừa làm vừa sợ trách nhiệm.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN (ảnh web Chính phủ) |
Bên cạnh đó, còn có tình trạng trông chờ cơ chế thật rõ ràng mới làm, mượn lý do vướng mắc cơ chế, kiến nghị sửa cơ chế, để kéo dài việc sắp xếp, đổi mới DN.
Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ. Vẫn còn tư tưởng không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hiện tượng tham nhũng trong DNNN còn, “sân trước”, “sân sau”, thậm chí “vườn sau” là có.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần rà soát lại hệ thống luật pháp, đề xuất hoàn thiện, tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh, kể cả khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý và DNNN phải nhanh nhạy hơn, không để chậm quá lâu như thời gian qua. Đừng tạo ra tầng nấc hành chính, gây khó khăn, trở ngại cho DNNN, “phải nóng ruột, hồ sơ để trên bàn 1-2 ngày là xong”, cứ “sống chết mặc bay” thì làm sao phát triển được. Phải khắc phục các mặt yếu kém này để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhìn lại quãng đường cổ phần hóa, đổi mới DNNN thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa bao giờ tiến độ chậm như hiện nay. Từ năm 2003 đến 2006, có 2.649 DNNN được cổ phần hóa. Riêng trong năm 2015, có 239 DNNN hoàn tất cổ phần hóa.
Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, tiến độ đang chậm lại rõ rệt, chỉ với vài chục DNNN mỗi năm. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Sự chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN.
Theo Trần Thủy - www.vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính.