Các tỷ phú người Việt cũng không kém cạnh khi liên tiếp thâu tóm các doanh nghiệp cùng ngành và khác ngành để gia tăng thị phần và sức cạnh tranh cho bản thân.
Không phải ngẫu nhiên mà ông chủ người Thái chấp nhận đi vay đến gần 5 tỷ USD để sở hữu chi phối Sabeco, công ty chiếm đến 50% thị trường bia nội địa, để từ đó làm “bàn đạp” cho các kế hoạch dài hơi khác.
Tuy nhiên, các tỷ phú người Việt cũng không kém cạnh, liên tiếp thâu tóm các doanh nghiệp cùng ngành và khác ngành để gia tăng thị phần và sức cạnh tranh cho bản thân.
Tung tiền thâu tóm
Sau khi bán công ty Kinh Đô cho nhà đầu tư ngoại, dầu ăn là lĩnh vực tiếp theo mà ông chủ gốc Hoa nhắm đến. Mới đây nhất là thương vụ mua lại 51% cổ phần Golden Hope Nhà Bè từ tay Tập đoàn dầu cọ Sime Darby (Malaysia), góp phần làm dày thêm danh mục “hàng dầu ăn” mà tập đoàn Kido đang nắm giữ, bao gồm cả Vocarimex, Tường An.
Gia nhập không lâu nhưng Kido nhanh chóng trở thành cái tên đầu ngành trong lĩnh vực dầu ăn |
Một ông lớn khác cũng nổi danh không kém là tập đoàn mía đường Thành Thành Công. Từ nhà máy ở Tây Ninh, đến nay Thành Thành Công sở hữu “đại gia đình” nhà đường như Đường Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh, Đường Ninh Hòa, Mía đường Tây Ninh, Mía đường Nhiệt Điện Gia Lai. Đáng chú ý, ông chủ từng sở hữu Sacombank cũng đã mua lại công ty đường của bầu Đức là HAGL Sugar.
Hoạt động mua bán, thâu tóm và sáp nhập (M&A) trên thị trường bán lẻ cũng gây nhiều tiếng vang khi đầu năm ngoái, thương hiệu bán lẻ Trần Anh chính thức “bỏ cuộc”. Sau nhiều năm cạnh tranh trực tiếp, phần thắng cuối cùng đã thuộc về ông chủ Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế giới Di động.
Nếu như các thương vụ ở trên điển hình cho hình thức thâu tóm theo chiều dọc, thì một đại gia khác lại “cao tay” hơn khi thâu tóm theo chiều ngang, đó là tỷ phú đô la Nguyễn Đăng Quang với tập đoàn Masan.
Với cách chơi “tài chính” hiếm thấy, ông chủ Masan chia tập đoàn thành nhiều ngành khác nhau, rồi từ đó “tung tiền” thâu tóm những thương hiệu lớn, làm “bàn đạp” để phát triển kinh doanh, chứ không chỉ đơn thuần là thâu tóm theo chiều dọc để mở rộng thị phần.
Gần đây nhất là Masan đưa tổ hợp chế biến thịt có MNS Meat có công suất thiết kế 140.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào hoạt động. Đây là kết quả cho nhiều thương vụ từ năm 2015, trong đó có khoản đầu tư sở hữu gián tiếp gần 25% cổ phần của Vissan (chế biến thịt), hay Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất Thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế (ANCO).
Cái hay của ông chủ Masan là sau khi thâu tóm những công ty trong ngành, rồi sẽ có những ông lớn “cầm” tiền đến cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Chẳng hạn như KKR (Mỹ) đầu tư 359 triệu USD vào mảng đồ uống trong giai đoạn 2011-2013, sau đó rót tiếp 250 triệu USD vào năm 2017. Năm 2018 cũng ghi nhận SK Group (Hàn Quốc) rót thêm 470 triệu USD vào tập đoàn để mua lại gần 110 triệu cổ phiếu của Masan. Ở mảng bia, Masan cũng bắt tay với Singha (Thái Lan) với thỏa thuận hợp tác chiến lược, trong đó có khoản đầu tư 1,1 tỷ USD.Một ngành điển hình khác của Masan là đồ uống cũng sôi động không kém. Năm 2017, mảng đồ uống của Masan chính thức sở hữu 100% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa, vốn cũng nắm giữ thị phần lớn trong ngành cà phê. Trước đó nữa, các thương hiệu nước khoáng nổi tiếng một thời như Vĩnh Hảo hay Quang Hanh cũng lần lượt “đầu quân”.
Tăng sức cạnh tranh
Theo các chuyên gia, thâu tóm là cách nhanh nhất để chiếm lĩnh thị phần. Chẳng hạn, ông chủ Kido nhanh tay sở hữu thị phần lên mức gần với dầu ăn Cái Lân (ước khoảng 40%, theo Euromonitor) trong khi chỉ mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường từ năm 2015.
Trong khi đó, ở mảng đường, TTC Sugar đang dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam, với thị phần nội địa đâu đó khoảng 40%. Còn Thế giới Di động nắm thêm thị phần của Trần Anh với số lượng chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh đã gấp 10-12 lần so với các chuỗi của Điện máy Chợ Lớn hay Nguyễn Kim.
Mặc dù khá thuận lợi trong hoạt động M&A trong thời gian qua, tuy nhiên, đây chưa phải là thời điểm để các ông chủ Việt có thể vui mừng trước bối cảnh hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ tràn về trong thời gian tới, khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kido, từng thừa nhận cạnh tranh trong ngành dầu ăn là rất gay gắt.
“Xu thế M&A gần đây phát triển mạnh chính là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp để lớn mạnh trong thời gian ngắn nhất”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT của TTC, cho biết tại buổi hội thảo vào tháng 11 năm ngoái.
Trên thực tế, nâng cao sức cạnh tranh phải kể đến Vinamilk. Năm 2017, hãng sữa có thị phần nội địa khoảng 50% lại chi đến khoảng 1.000 tỷ đồng để mua lại công ty mía đường Khánh Hòa. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, khi đó cho rằng việc mua lại một công ty đường nguyên liệu sẽ giúp Vinamilk hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
Nhìn chung, có thể thấy các đại gia Việt đang “trổ tài” chủ yếu ở lĩnh vực hàng tiêu dùng. Ngược lại, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bán lẻ, công nghệ,... thì đa phần lại rơi vào tay nước ngoài, từ các tỷ phú không chỉ đến từ Thái Lan, mà còn có cả Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Các ông chủ Việt tăng cường M&A chủ yếu tập trung ở mảng bán lẻ, hàng tiêu dùng |
Trong quá khứ, có nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng Việt đình đám đã “bán” mình toàn bộ cho khối ngoại. Chẳng hạn như Diana với Unicharm, hay ICP với thương hiệu X-Men.
Còn gần đây, xu hướng mới đây lại là lĩnh vực phân phối hay nguyên vật liệu. Điển hình có thể kể đến như các tỷ phú Thái nhảy vào lĩnh vực phân phối như BigC, Metro, Nguyễn Kim, hay vật liệu xây dựng (Prime, VCM, xi măng Holcim, nhựa Bình Minh, nhựa Tiền Phong).
Trước đó, báo cáo của nhóm nghiên cứu diễn đàn M&A cho rằng những ngành được quan tâm nhất hiện nay là những ngành có thể tiếp cận được thị trường 95 triệu dân Việt Nam. Việc mua lại các công ty hàng tiêu dùng, còn bao gồm cả mạng lưới phân phối để tiếp cận nhanh chóng thị trường.
Một điều đáng lưu tâm hơn là các lĩnh vực thiết yếu như Dược phẩm cũng đang lọt vào tầm nhắm của các nhà đầu tư ngoại, khi tỉ lệ sở hữu khối ngoại đã được nâng lên mức tối đa, điển hình như Imexpharm, Traphaco hay Dược Hậu Giang.
“Ông chủ” ngành mía đường dự đoán hoạt động M&A trong năm nay sẽ còn diễn ra nhiều hơn nữa. Đặc biệt, sẽ có nhiều sức ép lên các doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa, khi mà các nước khác lại có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Việt. “Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, ông Thành kết luận.
Theo Dũng Nguyễn - www.vietnamnet.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính