Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt thì trong 02 năm 2014 - 2015, cả nước phải cổ phần hoá 432 doanh nghiệp, chưa kể số DNNN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới.
Tính đến hết năm 2014, cả nước đã cổ phần hoá 143 doanh nghiệp. Như vậy, tính đến 31/12/2014 cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 289 doanh nghiệp.
Tính đến 31/7/2015, đã cổ phần hóa được 79 doanh nghiệp. Trong 05 tháng còn lại cuối năm 2015, cả nước phải thực hiện cổ phần hoá 210 doanh nghiệp, trong đó 53 doanh nghiệp đã công bố giá trị, 122 doanh nghiệp đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, 35 doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo, đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế tiến độ sắp xếp, tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra, có thể thấy các nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm, do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công thấp, nhiều doanh nghiệp sau IPO vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn.
- Thứ hai, một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
- Thứ ba, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.
- Cuối cùng đó là đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Một số biện pháp để thúc đẩy thoái vốn, tái cơ cấu theo lộ trình đã đề ra cần được các Bộ, ngành và doanh nghiệp thực hiện quyết liệt đó là:
- Chỉ đạo sát sao tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2015. Các Bộ, ngành và địa phương cần công khai danh sách và tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh tại doanh nghiệp.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, phân loại danh mục đầu tư ngoài ngành, đưa ra nguyên nhân và kế hoạch thoái vốn cụ thể, trong đó kiên quyết thoái vốn các danh mục đầu tư không hiệu quả, thua lỗ; công khai danh sách các doanh nghiệp cố tình chậm thoái vốn theo kế hoạch, kiểm điểm trách nhiệm của Ban lãnh đạo các doanh nghiệp này.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp
* Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính