Tuy nhiên, ĐB đoàn Hà Nội bày tỏ nhiều băn khoăn vì chu kỳ tăng từng quý không ổn định, còn phập phù. “Chẳng hạn, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng đóng góp vào GDP của nông nghiệp khá cao, chiếm 8,8%, nếu dựa vào tỷ trọng này mà xảy ra thiên tai, mất mùa thì tăng trưởng GDP sẽ bị kéo tụt. Hay kỳ họp trước, có ĐB Quốc hội chất vấn trên hội trường là tại sao tăng trưởng quý I/2017 thấp ở mức 5%, Chính phủ giải trình là do đầu năm, thời điểm nghỉ Tết… Nhưng, quý I năm nay lại tăng vọt lên hơn 7%, cao nhất trong lịch sử và không giải thích được tại sao tăng. Trong khi đó, tăng trưởng GDP quý IV/2018 vẫn đang là dấu hỏi, chưa có dự báo chính xác về khoảng tăng, tôi lo lắng một số yếu tố có thể kéo lùi tăng trưởng GDP”, ĐB Phạm Quang Thanh dẫn chứng.
ĐB Phạm Quang Thanh phát biểu tại cuộc thảo luận tổ.
Liên quan đến chất lượng tăng trưởng, ĐB Phạm Quang Thanh cho rằng, trong báo cáo, Chính phủ thiên về đưa ra con số tăng trưởng hơn là phân tích các yếu tố liên quan. Trong đó, tín dụng tăng rất cao, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá chúng ta vẫn nặng về tăng vốn, tức là tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư. Lâu nay, trong khi chúng ta đang nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng không dựa vào vốn và lao động giá rẻ. Và thông thường, quý IV hoặc những năm GDP tăng trưởng mạnh luôn kèm theo tín dụng tăng cao.
Điều này liên quan đến những đánh giá giữa kỳ về tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm và đổi mới mô hình tăng trưởng của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Đó là, tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm trước cơ bản không thành công, đặc biệt là việc thay đổi mô hình tăng trưởng. Có thể đâu đó, chúng ta vẫn làm được một số chỉ tiêu tăng trưởng nhưng về “chất” chưa thay đổi rõ nét.
Trong báo cáo Chính phủ đánh giá một số chỉ tiêu đã hoàn thành, một số có khả năng hoàn thành và một số chỉ tiêu cần thúc đẩy. Tuy nhiên, ĐB Phạm Quang Thanh nhận định: “Xem kỹ một số chỉ tiêu hoàn thành, tôi thấy cần lưu ý thêm, vì có những chỉ tiêu mang tính chất thời kỳ, nhưng có chỉ tiêu mang tính chất thời điểm”.
“Ví dụ, tỷ lệ tính trên GDP, chi tiêu đầu tư công, chi thường xuyên, bây giờ chúng ta nói là hoàn thành nhưng nếu 1-2 năm tăng trưởng chậm lại, chi thường xuyên vẫn tăng thì tỷ lệ này sẽ bị phá vỡ. Do đó, chỉ tiêu này chúng ta mới chỉ hoàn thành ở giai đoạn từ năm 2016 đến nay chứ không phải cho cả 5 năm”, ĐB Phạm Quang Thanh nói.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội lý giải thêm: “Thực tế, nửa nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã khống chế chi nợ công, khống chế chi thường xuyên, khống chế đầu tư trên tổng thu, nên tổng GDP đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đạt được do GDP tăng trưởng rất tốt. Nếu thời gian tới, chẳng may GDP chững lại, do những cú sốc về kinh tế thì tổng kết đề án 5 năm, lại không hoàn thành”.
“Do đó, Chính phủ cần có giải pháp để giữ được những chỉ tiêu đã hoàn thành, không được chủ quan bỏ lửng, mà chỉ quan tâm đến những chỉ tiêu chưa hoàn thành và khó hoàn thành”, ĐB Phạm Quang Thanh nhấn mạnh.
“Không ai mua rẻ tài sản nhà nước”
Về tái cơ cấu DNNN, ĐB Phạm Quang Thanh cho biết, việc cổ phần hóa, thoái vốn đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách. Đặc biệt, sau khi có một vụ sai phạm nào đó trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn xảy ra sẽ kéo chậm lại tất cả những dự án đang xếp hàng đợi. Bởi, các cơ quan phải xem xét, rà soát, điều chỉnh văn bản, chính sách cho phù hợp.
“Chúng tôi nghĩ là văn bản ra sau bao giờ cũng có tính chặt chẽ hơn, bảo đảm tính hiệu quả, tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, điều này lại làm chậm quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của nhà nước”, ĐB Phạm Quang Thanh nói.
ĐB dẫn chứng: “Ví dụ, trước đây, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định phương án cổ phần hóa có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá. Nhưng theo điều kiện và hình thức cổ phần hóa DNNN được Chính phủ quy định mới nhất tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, ban hành cuối năm 2017, là phải đấu thầu. Song, đấu thầu của ta phải kéo dài từ 2-3 tháng nếu suôn sẻ, trường hợp trục trặc có thể kéo dài đến nửa năm. Do đó, phải chờ xong bước này mới gối được bước kia dẫn đến chậm tiến độ”.
Về sử dụng đất, ĐB Phạm Quang Thanh cho biết, mặc dù có hướng dẫn của Bộ Tài chính nhưng hầu hết các DN vẫn rất lúng túng khi thực hiện. “Chẳng hạn, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội có sở hữu một số đất thuộc loại đất vàng, thậm chí đất kim cương, tuy nhiên khi định giá, các cơ quan thẩm định khá rụt rè vì sợ đánh giá không hết được tiềm năng. Làm DN, chúng tôi nhận thấy, khi chuyển đổi mục đích sử dụng, đất mới tạo giá trị, nếu như vẫn duy trì sản xuất kinh doanh bình thường thì vị trí đất vàng chỉ có một số lợi thế nhất định, bản thân nó không thể biến thành “vàng”. Giả sử khi định giá một khách sạn, chúng ta tính toán dòng tiền trong tương lai đã phản ánh giá trị khi khách sạn đặt ở vị trí đất vàng thì giá phòng cao hơn, giá trị DN cao hơn. Về cơ bản, phương pháp này đã giúp chúng ta phản ánh được vào trong giá trị của DN rồi”, ĐB nói.
ĐB Phạm Quang Thanh cho rằng, chúng ta nên chú trọng công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện hơn là nặng về xác định giá trị DN. Khi chúng ta bán công khai mà ở đó có đầy đủ những nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế thì tôi tin là không ai mua rẻ tài sản nhà nước. Thực tế, để tính toán trọn vẹn giá trị DNNN là rất khó rất khó và ở từng thời điểm bán, giá trị DN lại khác nhau. Chẳng hạn, đầu năm bán mấy chục phần trăm cổ phần Sabeco đã thu được 5 tỷ USD, nhưng sang năm giá có thể tụt xuống 3 tỷ USD, sang 2019 có thể bán được 8 tỷ USD.
Bởi vậy, ĐB Phạm Quang Thanh nhấn mạnh: “Tôi e là những chỉ tiêu về tái cơ cấu DNNN sẽ bị trễ nếu không có những “cởi trói”, đặc biệt là thay đổi về cách tiếp cận khi xác định giá trị DN trong cả cổ phần hóa lẫn thoái vốn nhà nước”.
Theo Hồ Hạ - www.kinhtedothi.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính.