Theo công bố của cơ quan thống kê Mỹ, những nước có tỷ trọng nhập khẩu cao trong tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ là Trung Quốc (21%), Mexico (14%), Canada (13%), Nhật Bản (6,1%), Đức (5,4%). Bảng cân đối liên ngành của Mỹ năm 2016 cho thấy những ngành Mỹ nhập khẩu nhiều nhất là xe cơ giới, rơ moóc, phụ tùng; máy tính và các sản phẩm điện tử; hóa chất, dệt may.
Theo cấu trúc kinh tế của Mỹ, nhập khẩu chiếm khoảng 9% trong tổng tiêu dùng trung gian. Sau khi áp thuế 25% lên 50 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của Trung Quốc (chia làm hai đợt), truyền thông quốc tế đưa tin chính quyền Mỹ dự định sẽ đánh thuế 25% (thay vì 10% như dự kiến ban đầu) lên 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nữa của Trung Quốc. Việc này sẽ khiến chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của Mỹ tăng lên khoảng 0,2 điểm phần trăm (từ 41,66 lên 41,85%) và GDP giảm khoảng 0,3%. Cách tính toán này với giả thiết Mỹ không hề có sự chuẩn bị gì cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Do có cấu trúc kinh tế vững chắc, các nhà kinh tế Mỹ sẽ dễ dàng ứng phó với chuyện này.
Trong khi đó, Trung Quốc có phần khó khăn hơn, Trung Quốc sẽ phải đưa hàng hóa của mình qua nước thứ ba thông qua hệ thống các doanh nghiệp FDI và một số nước Đông Nam Á.
Tỷ trọng nhập khẩu hàng Việt Nam của Mỹ là 2%, năm 2017 theo số liệu sơ bộ là khoảng 41,6 tỉ đô la Mỹ. Nhập khẩu hàng dệt may và giày da chiếm tỷ trong lớn nhất trong tổng nhập khẩu từ Việt Nam (42%, khoảng 17,2 tỉ đô la Mỹ), nhưng những sản phẩm này Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 7 tỉ đô la Mỹ. Hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam nhiều thứ hai là điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử (17%, khoảng 7 tỉ đô la Mỹ) nhưng Việt Nam nhập khẩu những sản phẩm này từ Trung Quốc tới 15,7 tỉ đô la Mỹ.
Nhìn rộng ra, giá trị nhập khẩu mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập vào Việt Nam để xuất khẩu chiếm 83%, 17% còn lại là chi phí điện, nước, khấu hao tài sản, trả lương cho người lao động (bao gồm cả người lao động nước ngoài)...
Như vậy, phần phía Việt Nam thực sự được hưởng trong chuỗi giá trị của những sản phẩm xuất khẩu là rất nhỏ. Một số người cho rằng phần phía Việt Nam được hưởng là giá trị gia tăng (cấu thành của GDP) nhưng thực chất chỉ là một phần trong giá trị gia tăng, chẳng hạn, khoản tiền chi trả thu nhập của người lao động bao gồm cả người lao động nước ngoài, nhưng trong tính toán GDP bao gồm cả phần chi trả lao động nước ngoài thường trú tại Việt Nam một năm; phần thặng dư trong giá trị gia tăng phía Việt Nam hầu như không được hưởng gì. Tính toán sơ bộ từ số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp loại này chuyển tiền về nước sở tại (chi trả sở hữu) cao hơn số xuất siêu của nền kinh tế.
Khu vực FDI luôn xuất siêu (sơ bộ năm 2017 gần 26 tỉ đô la Mỹ) trong khi khu vực kinh tế nội địa tiếp tục nhập siêu (sơ bộ năm 2017 là 23 tỉ đô la Mỹ). Xuất khẩu của khu vực FDI năm 2017 đã chiếm 71% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước và chiếm 60% tổng giá trị nhập khẩu cả nước. Điều này có lần được TS. Vũ Quang Việt bình luận đại ý là phải nhìn nhận nghiêm túc rằng doanh nghiệp trong nước không có sức sản xuất để thâm nhập thị trường thế giới, mà chủ yếu là bãi tiêu dùng hàng nước ngoài.
Việt Nam trước bài toán Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ
Trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ của họ như một đòn phản kích. Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam đã tỏ ra rất lo lắng và kêu gọi phá giá tiền đồng. Cơ bản họ lo hàng Trung Quốc giá rẻ hơn sẽ tràn vào Việt Nam và hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Sự lo lắng của các chuyên gia là rất đáng ghi nhận nhưng dường như là hơi thừa.
Một điều cần cân nhắc là cấu trúc kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn khác nhau. Nhìn vào cấu trúc kinh tế của Trung Quốc, thông qua bảng cân đối liên ngành của Trung Quốc, có thể thấy mức độ lan tỏa từ các nhân tố của cầu cuối cùng như tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu lan tỏa đến phía cung và giá trị gia tăng cao hơn Việt Nam rất nhiều. Trong khi ở Trung Quốc tiêu dùng cuối cùng lan tỏa đến giá trị gia tăng 0,77; đầu tư lan tỏa đến giá trị gia tăng 0,66 và xuất khẩu lan tỏa đến giá trị gia tăng 0,8 thì các nhân tố này của Việt Nam lan tỏa tương ứng chỉ là 0,64; 0,54 và 0,4. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam lan tỏa mạnh đến sản lượng nhưng lan tỏa rất thấp đến giá trị gia tăng. Nếu Việt Nam chạy theo việc phá giá tiền đồng nhằm kích thích xuất khẩu thì chỉ có lợi cho những nước (có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam) chuyên nhập khẩu làm đầu vào cho sản xuất gia công; xuất khẩu theo kiểu này cơ bản là xuất khẩu hộ nước khác mà thôi. Điều này hoàn toàn khác với cấu trúc kinh tế của Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc lan tỏa đến thu nhập gấp đôi Việt Nam. Nhìn cấu trúc này có thể thấy Trung Quốc phá giá nhân dân tệ thì họ có lợi còn Việt Nam thì không có lợi.
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến hàng hóa của nước này đã rẻ lại càng rẻ hơn và nhiều người cho rằng như thế hàng Việt Nam sẽ không cạnh tranh được và tình hình nhập siêu với Trung Quốc thêm trầm trọng. Theo tôi, điều này là không đáng lo ngại vì các lý do sau:
Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 60% là nguyên vật liệu, trên 34% cho máy móc thiết bị và chỉ khoảng gần 6% cho tiêu dùng dân cư. Như vậy việc giá hàng nhập khẩu nguyên vật liệu của Trung Quốc giảm sẽ có lợi cho ta.
Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công, không có công nghiệp phụ trợ nên khi sản xuất hầu như phải nhập khẩu. Nếu không nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ nước khác nếu không muốn sản xuất ngưng trệ.
Nhiều ý kiến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi việc nước này phá giá đồng nhân dân tệ. Lo ngại này là có lý nhưng cần thấy rằng trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là của khu vực FDI. Hàng nông sản chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó xuất sang châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đã 5-7%, chỉ khoảng vài phần trăm là xuất sang Trung Quốc. Tất nhiên vài phần trăm thì cũng là sản phẩm do sức lực của người nông dân Việt Nam làm ra, nhưng để sản phẩm của họ có thể cạnh tranh không, vấn đề không chỉ là... tỷ giá. Ngoài ra, việc giá trị xuất khẩu hay nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc sẽ tăng hoặc giảm còn phụ thuộc vào cơ cấu của xuất nhập khẩu theo nước và theo hàng hóa
Nền sản xuất của Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Tính toán cho thấy xuất khẩu của Việt Nam ngày càng ít lan tỏa đến giá trị gia tăng mà chỉ lan tỏa đến nhập khẩu. Nếu tiền đồng mất giá 3% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng; chỉ số giá sản xuất (PPI) ngay chu kỳ sản xuất đầu tiên tăng 0,65%, trong chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng 0,75%, tổng ảnh hưởng là 1,4% và GDP có thể giảm 2-2,27%.
Những dẫn chứng này có thể cho thấy nếu Việt Nam hốt hoảng phá giá tiền đồng mạnh thì bộ phận có lợi trực tiếp là khu vực FDI và gián tiếp là nước sở tại của các doanh nghiệp FDI đó. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, tuy có ảnh chút ít đến thành tích tăng trưởng GDP.
Trung Quốc khó có thể tiếp tục phá giá mạnh nhân dân dân tệ
Một trong những biện pháp đáp trả của Trung Quốc đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là phá giá đồng nhân dân tệ. Tính đến ngày 6-8-2018, đồng nhân dân tệ đã mất giá 4,6% so với đô la Mỹ. Khả năng tiếp tụ phá giá mạnh nhân dân tệ là khó xảy ra vì nền sản xuất của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn. Như vậy, việc phá giá nhân dân tệ có lợi trước mắt nhưng nếu cuộc chiến thương mại kéo dài thì sẽ dẫn đến nền sản xuất của Trung Quốc gặp khó khăn và khả năng suy trầm từ phía cung là khó tránh khỏi. |