Bài học cay đắng từ những vụ thâu tóm
Có rất nhiều mâu thuẫn xung quanh những lời “trần tình” của bà Ba Huân như: nhiều điểm không hợp lý giữa bản hợp đồng tiếng Anh và tiếng Việt hoặc phía VinaCapital có các hành động trì hoãn, gây khó khăn cho việc chấm dứt hợp đồng...
Khoan nói những điều này đúng hay sai, điều chúng ta quan tâm hơn là liệu những công ty như Ba Huân có bị ép trên hợp đồng để thâu tóm nhanh chóng hay không?
Theo anh John Le - nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Propzy Việt Nam - những điều kiện như tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22% mỗi năm, trong điều kiện không đạt kết quả kinh doanh như quy định sẽ bị phạt, buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm, hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của Ba Huân… là hoàn toàn bình thường. Vấn đề là doanh nghiệp phải tỉnh táo trước những món tiền quá hấp dẫn được đưa ra bởi các nhà đầu tư và quỹ đầu tư.
Trong chương trình Shark Tank, ông Phạm Thanh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị CEN Group nói rằng, nhà đầu tư không phải nhà từ thiện.
Trong quá khứ, không ít doanh nghiệp Việt Nam từng bị thâu tóm với những lời đề nghị hấp dẫn như thế.
Ông Trịnh Thành Nhơn - chủ sở hữu thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan từng “làm mưa làm gió” trên thị trường - đã không khỏi tiếc nuối khi nói về quá khứ: “Tôi nhanh chóng nhận lời bán Dạ Lan khi Công ty Colgate - Palmolive đến đặt vấn đề liên doanh với một mức giá “hời” cùng một tương lai xán lạn mà họ vẽ ra. Nhưng thật đáng tiếc, họ mua Dạ Lan không phải để cùng tôi phát triển thương hiệu, vì chủ trương của Colgate là không muốn sử dụng nhãn hàng Việt Nam. Họ xóa sổ Dạ Lan trên thị trường trong một thời gian ngắn, để P/S nhanh chóng chiếm lấy thị phần của Dạ Lan lúc đó. Sau ba năm kinh doanh không hiệu quả, tôi cũng bị ép bán lại cổ phần của mình với giá rẻ. Một cái kết khá tàn nhẫn với tôi và Dạ Lan lúc đó”.
“Nhà đầu tư không phải nhà từ thiện” - ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEN Group - từng nói trong chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp Shark Tank.
Đã từng có doanh nghiệp mà nhà sáng lập phải rời công ty sau khi nhận vốn đầu tư từ các quỹ. Chẳng hạn như nữ doanh nhân Đào Chi Anh đã không thể giữ hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á - Âu The Kafe sau 1 năm gọi thành công 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư Cassia Investments.
Trước đó, The Kafe đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với quỹ đầu tư Hồng Kông New Asia Partners (NAP). Theo đó, NAP sẽ sở hữu 40% vốn của The Kafe. Một năm sau, Đào Chi Anh phải rời ghế CEO và vốn điều lệ của công ty tăng từ 16 tỷ đồng lên 244 tỷ đồng.
Quả thật, không lời đề nghị nào tốt đẹp mà không kèm rủi ro. Đào Chi Anh chia sẻ rằng, NAP chỉ muốn thổi phồng giá trị công ty để kiếm lời nhanh. “Tôi không có được sự tận hưởng nào trong suốt hành trình xây dựng công ty mà phải bằng mọi cách tạo ra lợi nhuận nhằm đáp ứng mục tiêu tài chính cho một người khác. Thật sự tôi đã không nghiên cứu kỹ lưỡng khi nhận vốn từ quỹ đầu tư” - chị nói. Quỹ đầu tư NAP được xem là “người đồng hành” của Đào Chi Anh sau đó đã chiếm luôn The Kafe để bán lại với giá hời.
Tiền như thức ăn, ăn nhiều sẽ bội thực
“Khi bỏ tiền ra, tất nhiên nhà đầu tư phải tính toán là họ sẽ được gì. Điều quan trọng nhất là bạn phải nhìn vào số phận những doanh nghiệp đã nhận được tiền đầu tư” - John Le chia sẻ.
Nữ doanh nhân Đào Chi Anh đã không thể giữ hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á - Âu The Kafe sau 1 năm gọi thành công 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư Cassia Investments.
Theo anh, các quỹ đầu tư đã có một chặng đường hoạt động khá dài ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài và đã có không ít công ty đã nhận vốn đầu tư từ VinaCapital. Trước khi quyết định nhận lời hợp tác, doanh nghiệp cần tìm hiểu xem chính sách đầu tư và tầm nhìn của đối tác có phù hợp với mình không, chứ không phải là số tiền họ đầu tư.
“Tôi hay ví tiền vốn của các quỹ đầu tư giống như thức ăn, nếu ăn quá mức, sẽ dễ bị bội thực” - John Le ví von. Theo anh, việc tìm nhà đầu tư không dễ, vì phải tìm được người có cùng giấc mơ, định hướng với doanh nghiệp, để họ không là “kẻ phá hoại”.
Bản thân John Le cũng từng có nhiều bài học với các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư cả ở Việt Nam lẫn ở Mỹ. Anh từng hợp tác với quỹ đầu tư nước ngoài để phát triển một trong những công ty của mình ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Về sau, anh nhận thấy hướng đi của quỹ đầu tư này không như họ vẽ ra, thậm chí họ muốn thâu tóm công ty của anh một ngày không xa. Ngay lập tức, anh tìm kiếm sự “chia sẻ” từ các nhà đầu tư khác. Đến nay, anh đã thành công trong việc kêu gọi vốn từ một số quỹ đầu tư nước ngoài, sự “độc quyền” về quyền lực trong công ty không còn.
Theo bà Mandy Nguyễn - Giám đốc phát triển kinh doanh tại Quỹ đầu tư Alpha Vision: “Muốn tham gia cuộc chơi huy động vốn, bạn phải hiểu rằng, không phải nhà đầu tư nào cũng đặt tiền lên bàn vì họ cần lợi nhuận.
Có lúc vì thương hiệu, có lúc bạn là một phần trong toàn bộ bức tranh ghép hình mà họ đang chơi, có lúc vì họ không thích đối thủ của họ có được bạn, và cũng có khi họ muốn kéo bạn về để giết cho chết vì bạn đang gây hại cho một mảng kinh doanh nào khác của họ. Cũng như đám cưới chỉ là khởi đầu, gọi vốn thành công không hẳn khởi nghiệp sẽ thành công. Thử tìm trên Google, bạn sẽ thấy rất nhiều trường hợp doanh nghiệp gọi được vốn rồi đổ dốc nhanh hơn và chết mau hơn”.
Do vậy, doanh nghiệp phải luôn cẩn trọng trước những lời đề nghị hấp dẫn và biết từ chối khi chưa thật sự sẵn sàng.
Theo Thanh Nhã - www.phunuonline.com.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính