Năm 2018, giải ngân 19,1 tỷ USD vốn FDI
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt, vốn giải ngân năm nay của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt đỉnh mới, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017, mặc dù vốn đăng ký giảm. Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2018 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 27/12/2018, ông Nguyễn Việt Phong – Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư cho rằng: "Việc vốn giải ngân tăng cao, nhưng vốn đăng ký lại tăng thấp cho thấy Chính phủ đã kiên định mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên thu hút dự án FDI trong những ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thu hút FDI bằng mọi giá như trước đây. Do vậy vốn đăng ký giảm, tuy nhiên chất lượng đưa vốn có tăng thêm”, ông Phong nói.
Bình luận thêm về điều này, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết, thực tế, chất lượng giải ngân và chất lượng đưa vốn vào nền kinh tế có tăng thêm, thể hiện người đứng đầu Chính phủ trong thời gian vừa qua đã tham gia một số hội nghị xúc tiến đầu tư như: Diễn đàn Kinh tế thế giới, xúc tiến đầu tư Nhật Bản và một số hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước… đã thu hút được sự quan tâm của nhiều DN FDI. "Đây là một trong những động lực thu hút và giải ngân vốn FDI trong những năm tới“, ông Lâm nhấn mạnh.
Chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới
Đánh giá về tầm quan trọng và hiệu quả của DN FDI, ông Nguyễn Việt Phong cho hay, hiện nay 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông...
Theo ông Nguyễn Việt Phong, cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, DN FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, đổi mới công nghệ đối với các DN trong nước. Khu vực FDI đã và đang góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Việt Phong cho biết, xu hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới sẽ chuyển sang thu hút FDI thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Để thực hiện được mục tiêu đó, theo ông Phong, Chính phủ cần khai thác cơ hội của cách mạng 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam, chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao để đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược và giải pháp khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ DN trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với DN FDI, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi liên kết của DN FDI, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2018 (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 432,2 triệu USD. Có 38 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Lào 81,5 triệu USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư; Australia chiếm 12,8%; Hoa Kỳ chiếm 12,3%. |