Sông Đà, HUD, IDICO và VICEM đã cơ bản hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, và đang phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để thẩm định trước khi Bộ Xây dựng phê duyệt và công bố theo quy định.
Ông Thanh cho rằng, đến nay, Bộ Xây dựng đã thực hiện được cơ bản công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ này.
Giai đoạn 2011 - 2015, các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa của Bộ Xây dựng gồm 14 tổng công ty (Viglacera, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, Viwaseen, LICOGI, FiCO, CC1, LILAMA, COMA, Sông Đà, VICEM, HUD, IDICO, VNCC) và 14 công ty con cổ phần hóa cùng công ty mẹ và 2 công ty con cổ phần hóa riêng gồm: công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị HUDS (thuộc HUD) và công ty TNHH MTV Phát triển nhà Khánh Hòa (thuộc Sông Đà).
Hiện nay, công ty TNHH MTV Phát triển nhà Khánh Hòa đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về tỉ lệ bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược, trong khi công ty TNHH MTV dịch vụ đô thị HUDS đã thẩm định xong giá trị doanh nghiệp.
Tính đến nay, bốn tổng công ty gồm Xây dựng Bạch Đằng, Viglacera, Viwaseen và Xây dựng Hà Nội đã cổ phần hóa xong và đang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. LICOGI đã tiến hành đại hội đồng cổ đông lần đầu và đang hoàn tất các thủ tục để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1-1-2016, còn LILAMA cũng đã bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Trong khi đó, CC1, FiCO, và COMA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, dự kiến chuyển sang công ty cổ phần vào quý I-2016. VNCC đã hoàn thành phương án cổ phần hóa, đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Được biết, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng có quy mô khá lớn, nhiều tổng công ty có tài sản trên 10.000 tỉ đồng, giá trị vốn Nhà nước từ 1.000 đến 15.000 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp có tài sản là quyền sử dụng đất, văn phòng, nhà xưởng, khu đô thị, khu công nghiệp, máy móc xây dựng và các khoản đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.
Do đó, theo ông Thanh việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Quá trình xem xét, lấy ý kiến thống nhất giữa các cơ quan này mất khá nhiều thời gian. Một số vướng mắc phải có ý kiến của các cơ quan Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới có thể xử lý được như xác định các khoản đầu tư chưa niêm yết; phân định sở hữu chung, sở hữu riêng tại các dự án nhà ở; xử lý tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp; tìm kiếm cổ đông chiến lược...
Ông Thanh cho biết tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đối với các tổng công ty vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa như CC1, FiCO là: với mỗi doanh nghiệp cụ thể cần xây dựng các tiêu chí mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện ngành nghề, thực tế đặt ra. Đối với các doanh nghiệp có nhiều dự án đầu tư lớn, có nhu cầu vốn lớn thì tiêu chí đặt ra về năng lực tài chính của nhà đầu tư được coi trọng. Đối với các doanh nghiệp đã có thương hiệu, ngành nghề truyền thống tốt, cần nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa để vươn ra tầm khu vực và trên thế giới thì tiêu chí hỗ trợ về đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản trị lại là điều kiện cần thiết...
Theo http://www.thesaigontimes.vn
Ban Biên tập VVFC - Tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá - Bộ Tài chính